Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, giám đốc bệnh viện, cho biết đây là cơ sở y tế dã chiến đầu tiên lập tại TP HCM, điều trị bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình. Các bệnh nhân nặng được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.
Bệnh viện nằm trong doanh trại quân đội, cách trung tâm TP HCM khoảng 50 km. Thiết kế viện chia thành các khu vực biệt lập, đảm bảo cách ly giữa nhóm bệnh nhân Covid-19 và F1 cũng như khu vực hành chính, sinh hoạt của nhân viên y tế. Ngoài 300 giường thường quy, bệnh viện còn trang bị 8 phòng áp lực âm cho trường hợp bệnh diễn biến nặng, một phòng hồi sức tích cực và một phòng mổ trung phẫu, sử dụng nếu bệnh nhân cần mổ ruột thừa khẩn cấp. Các hệ thống máy xét nghiệm, máy siêu âm và chụp X-quang di động đến tận giường bệnh.
"Ngày đầu chúng tôi rất bỡ ngỡ, nhưng mọi chuyện đã qua rồi", bác sĩ Dũng từ chối nhắc lại những khó khăn một năm qua mà bản thân và đồng đội đã gánh vác, bởi ông cho rằng với người làm nghề y "điều đó đâu sá gì".
Một năm qua, bệnh viện luôn mở cửa, linh hoạt tiếp nhận các F0 và F1, tùy theo tình hình dịch bệnh. Tổng cộng, 177 bệnh nhân đã được chữa khỏi (toàn thành phố ghi nhận 204 ca), chỉ hai ca nặng là "bệnh nhân 32" và phi công Anh cần chuyển lên tuyến trên; 816 F1 được giám sát cách ly an toàn.
Hiện, 43 bệnh nhân Covid-19 ghi nhận tại TP HCM đang điều trị tại đây, gồm 33 ca liên quan đến cụm dịch sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, có 29 F1 cách ly tập trung. Bệnh nhân chủ yếu thuộc nhóm người trẻ, có sức khỏe, không có bệnh lý nền nên các bác sĩ yên tâm điều trị.
Theo Phó giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng, ngay từ đầu, thành phố đã đặt mục tiêu "dã chiến nhưng phải chuyên nghiệp" cho Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Mọi nhân viên y tế ở đây đều phải trải qua khóa tập huấn kỹ lưỡng về chuyên môn điều trị, đặc biệt là kiểm soát nhiễm khuẩn. Nhờ đó, không xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo nCoV cho nhân viên y tế.
Thêm nữa, khi ấy chỉ có 5 ngày để xây dựng bệnh viện, thành phố đã chủ trương huy động tối đa mọi nguồn lực sẵn có tại các cơ sở y tế trên toàn địa bàn, từ nhân sự, phương tiện, trang thiết bị, hạn chế mua, cấp mới. Với nhân sự, các bệnh viện cử luân phiên bác sĩ, điều dưỡng trực chiến xoay vòng suốt cả năm. Mỗi tua trực gồm 40 người, làm việc 5 tuần. Sau khi bàn giao công việc, họ được nghỉ hai tuần tại nhà, cũng là thời gian tự cách ly.
"Nếu không có hai bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 là dã chiến Củ Chi và Cần Giờ, ngành y tế và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sẽ rất 'mệt'", ông Thượng nói.
Sáng 11/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống Covid-19 tại TP HCM đến chúc tết và động viên các bác sĩ, điều dưỡng tại đây.
Thứ trưởng khen ngợi sự tự chủ, đi trước đón đầu của TP HCM khi quyết định xây dựng, duy trì các bệnh viện điều trị Covid chuyên biệt. Ông chia sẻ, khi dịch mới xuất hiện, nhiều người cho rằng việc thành lập bệnh viện dã chiến là chưa cần thiết. Nhưng qua các đợt dịch ở Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh đến cụm dịch Tân Sơn Nhất sau này, đã khẳng định bước đi đúng đắn của thành phố, bởi không phải tất cả các bệnh nhân đều có triệu chứng nặng để vào điều trị ở tuyến trên.
Nhận định tình hình hiện tại, Thứ trưởng khẳng định: "Số lượng ca mắc đang có xu hướng giảm nhưng chưa thể tiên lượng trước điều gì. Việc duy trì bệnh viện dã chiến là điều rất cần thiết".
TP HCM có 5 bệnh viện chuyên điều trị Covid-19, gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, dã chiến Củ Chi, dã chiến Cần Giờ, Bệnh viện Nhi đồng thành phố, Nhi đồng 2 (nếu người nhiễm là trẻ em). Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Ung bướu cơ sở hai sẽ được trưng dụng nếu số ca nặng tăng cao.
Thư Anh