Robot có chức năng phun xịt thuốc khử khuẩn và lau sàn nhà sau khi phun xong. Robot biết tự khử khuẩn mình trước khi ra khỏi phòng cách ly. Nhân viên y tế có thể ngồi ở khu hành chính để điều khiển robot từ xa qua mạng 3G hoặc Internet, giảm nguy cơ tiếp xúc mầm bệnh.
Sản phẩm hoạt động sau gần 2 tuần phác thảo ý tưởng, thiết kế và chế tạo bản thử nghiệm, sau đó chỉnh sửa và cải tiến theo góp ý của hội đồng khoa học công nghệ của Sở. Thời gian tới, Sở Y tế TP HCM sẽ trang bị robot khử khuẩn cho tất cả bệnh viện điều trị người nhiễm Covid-19.
Sở Y tế đánh giá sản phẩm có ý nghĩa lớn trong phòng chống nguy cơ lây nhiễm nCoV cho nhân viên y tế, nhất là nhân viên làm công tác vệ sinh, khử khuẩn các phòng cách ly dành cho người bệnh xét nghiệm dương tính, người nghi nhiễm cao.
Đây là sản phẩm của "vườn ươm sáng tạo" thuộc Trung tâm công nghệ Công nghệ thông tin Bệnh viện Quân Dân y miền Đông, theo đơn đặt hàng của Sở Y tế. Các sản phẩm công nghệ phục vụ người bệnh từ bệnh viện này đạt giải nhì và giải triển vọng của Giải thưởng "Y tế thông minh" cuối năm 2019.
Bệnh viện dã chiến với 300 giường tại huyện Củ Chi do Bộ Tư lệnh TP HCM phối hợp Sở Y tế xây dựng, đặt tại Trường quân sự thành phố, hoạt động từ ngày 10/2, ban đầu dùng cách ly tập trung những người chưa có triệu chứng. Khi thành phố lập thêm các khu cách ly tập trung mới, nơi này trở thành bệnh viện chuyên điều trị Covid-19, tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ và mắc bệnh từ các nơi khác chuyển đến.
Hiện số giường điều trị của TP HCM tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là 400, tại các bệnh viện dã chiến ở Củ Chi và Cần Giờ 900, các khu cách ly của bệnh viện thành phố, quận huyện hơn 1.000 giường. Dự kiến Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 sẽ là nơi chuyên điều trị Covid-19 trong trường hợp thành phố có 200-500 ca bệnh, tương ứng 1.500-3.500 ca nghi nhiễm.
Đến ngày 4/4, TP HCM ghi nhận 53 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó 22 người đã khỏi bệnh. 7.113 người cách ly tại các khu tập trung của thành phố, 438 người theo dõi tại cơ sở cách ly quận huyện, 1.788 người giám sát tại nhà.