Trước thực trạng gần 1.000 nhân viên y tế tuyến cơ sở tại TP HCM xin nghỉ việc trong năm qua, PGS Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng Ban Quản lý An toàn thực thẩm TP HCM, đại biểu Quốc hội) nhìn nhận y tế cơ sở có nhiều vấn đề bất cập từ lâu, rất khó có thể giải quyết trong ngày một ngày hai vì còn nhiều vướng mắc.
Số nhân viên y tế ở TP HCM chỉ đạt tỷ lệ 2,31 người trên 10.000 dân, thấp hơn số trung bình cả nước là 7. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, hệ thống y tế cơ sở bộc lộ nhiều điểm yếu về nhân lực lẫn cấu trúc tổ chức, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Công việc của các nhân viên y tế quá tải, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, thiếu cơ hội nâng cao tay nghề... khiến hàng loạt nhân viên y tế nghỉ việc.
Trong bối cảnh trên, ngành y tế TP HCM vừa có đề án với nhiều chính sách giữ chân, thu hút nhân lực tuyến y tế cơ sở như: hỗ trợ thu nhập, đề xuất điều chỉnh biên chế ở trạm dựa trên quy mô dân số chứ không theo địa giới hành chính vì có những phường xã rất đông dân, nếu 5-10 nhân viên theo quy định sẽ không thể đáp ứng). Thành phố cũng kiến nghị bác sĩ mới tốt nghiệp thay vì tới thực hành 18 tháng ở bệnh viện sẽ làm việc tại trạm y tế 12 tháng, được hỗ trợ với mức 1,5 lần lương tối thiểu.
Theo PGS Phong Lan, những đề xuất này rất thực tế và quan trọng, cần sớm được thông qua để nhanh chóng củng cố và phát huy hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở - tuyến đầu có nhiệm vụ "gác cổng" và là nơi đầu tiên người dân tiếp cận khi ốm đau, khi dịch bệnh.
"Nhưng đây là vấn đề TP HCM không thể tự mình thay đổi được mà cần các ngành các cấp từ trung ương đến địa phương ủng hộ về các quy trình, thủ tục, tài chính, cơ chế... Về lâu dài phải có chính sách của Chính phủ. Không để xảy ra tình trạng đang dịch bệnh thì tăng tuyển dụng, đãi ngộ, sau đó lại cho nghỉ việc, cắt giảm biên chế", bà Lan nói.
Bên cạnh việc cần tăng thu nhập, theo bà Lan, nhân viên trạm y tế cần được tạo điều kiện phát huy nhiệm vụ khám chữa bệnh ban đầu để công việc có ý nghĩa, gắn bó với người dân hơn. Bởi nhiều người đi làm không chỉ vì đồng lương. Nếu công việc có ý nghĩa, gắn bó với người dân, nhân viên y tế sẽ càng thêm động lực để bám trụ lâu dài.
Bà dẫn chứng, ở nước ngoài, hệ thống bác sĩ gia đình là "chân rết" của trạm y tế. Một đứa trẻ từ lúc chào đời đã được y tế địa phương thiết lập hồ sơ sức khỏe, quản lý về tiêm chủng, khi lớn lên được khám và điều trị những bệnh thông thường ngay tại nơi sinh ra, tư vấn cách để nâng cao sức khoẻ, phòng tránh bệnh tật. "Một bác sĩ giỏi, theo dõi sức khỏe từ lâu cũng sẽ tạo cảm giác yên tâm, tin cậy và khi người dân có những dấu hiệu bất thường bác sĩ cũng nhận biết sớm hơn", bà Lan phân tích.
Cùng quan điểm, PGS Đỗ Văn Dũng (Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP HCM) cho biết, hiện y tế cơ sở tại thành phố chỉ làm những nhiệm vụ hành chính, thu thập số liệu, thống kê, các chương trình điều tra sức khỏe, dinh dưỡng, tổ chức tiêm chủng, vận động sinh đẻ có kế hoạch... Đây là những công việc ở trên giao xuống chứ chưa gắn bó trực tiếp nhu cầu người dân.
Ở nhiều quốc gia, y tế cơ sở gắn với nguyên lý y học gia đình. Người bệnh thay vì đến các bệnh viện xa xôi, tốn kém, gặp những bác sĩ xa lạ thì sẽ được thăm khám ban đầu bởi bác sĩ gắn bó thân thiết với cả gia đình, hiểu rõ tiền sử bệnh tật. Chẳng hạn, một người đến khám vì bệnh cúm, bác sĩ trạm y tế sẽ biết người này vốn đang được quản lý bệnh tăng huyết áp, nên dùng thuốc gì là phù hợp. Bác sĩ không chỉ khám bệnh mà còn có thể biết người bệnh tiêm ngừa hay chưa để nhắc lịch, hoặc quan tâm trong nhà còn ai bị bệnh hay không để phòng ngừa lây nhiễm...
"Khi ấy, nhân viên y tế cảm thấy công việc có ý nghĩa, giá trị hơn, có sự hài lòng và thỏa mãn nghề nghiệp nhất định vì được làm chuyên môn, có cơ hội nâng cao trình độ. Do đó, chế độ đãi ngộ phù hợp sẽ giữ chân được nhân viên y tế, đồng thời thu hút được nguồn nhân lực tốt", ông Dũng phân tích.
Hai chuyên gia cho rằng, để cơ sở y tế trở thành nơi tìm đến đầu tiên của người dân, thay vì vượt tuyến, thì những nơi này phải phát triển năng lực đủ mạnh, tạo được sự tin tưởng. Như vậy, trạm y tế phải được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, được cấp đủ các loại thuốc trị bệnh thông thường, cần thiết cho người dân đến khám.
Theo PGS Phong Lan, Nghị quyết Quốc hội cần yêu cầu ngân sách các địa phương khi chi cho y tế phải có ít nhất 30% dành cho y tế dự phòng. Nếu không, có thể các địa phương chỉ tập trung xây bệnh viện để nhanh thu hồi vốn. Về lâu dài, đầu tư tốt cho y tế dự phòng, y tế cơ sở sẽ giúp tăng cường được sức khỏe người dân, đỡ được bệnh dịch để giảm bớt những thiệt hại xã hội.
Trong khi đó, Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng cho rằng, cần phải xác định nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, có hướng phát triển cho nhân viên y tế cơ sở. Trạm y tế cần được giao việc rõ ràng để tăng uy tín của nhân viên, trong đó có nhiệm vụ khám chữa bệnh thông thường cho người dân.
"Nếu y tế cơ sở được giao nhiệm vụ, họ chứng minh được vai trò thì sẽ nhận được vị trí xứng đáng hơn. Tại nhiều nước, chi phí điều trị tại bệnh viện bao giờ cũng cao hơn rất nhiều so với y tế cơ sở. Do đó, người dân sẽ tiếp cận bác sĩ gia đình trước, nếu không khỏi mới đến bệnh viện", ông Dũng nói, thêm rằng khi có đủ nguồn nhân lực chất lượng, trạm y tế sẽ được bệnh nhân đến khám đông, thu nhập tăng, bác sĩ càng có động lực cố gắng trau dồi chuyên môn, phát triển nghề nghiệp.
Hôm 9/12, tại cuộc họp HĐND TP HCM, Chủ tịch thành phố Phan Văn Mãi cho biết đã làm việc với Bộ trưởng Y tế, thống nhất triển khai đề án thí điểm xây dựng tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số, áp lực công việc của nhân viên sẽ được giảm...
Tối 11/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ trưởng Y tế tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng chống Covid-19; đồng thời có giải pháp kịp thời khắc phục tình trạng cán bộ y tế nghỉ việc, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.
Lê Phương