Theo BBC, một công ty chuyên bán các mẫu điện thoại BlackBerry đã được tùy biến có trụ sở ở Canada tên là Phantom Secure mới đây đã bị buộc tội "bán hàng chục triệu USD các thiết bị smartphone sửa đổi cho các tập đoàn ma túy lớn sử dụng".
Công ty đã bỏ các chức năng quan trọng trên thiết bị như giao tiếp bằng giọng nói, micrô, GPS, máy ảnh, kết nối mạng Internet và các ứng dụng nhắn tin phổ thông, chỉ để lại một ứng dụng nhắn tin qua mạng nội bộ. Dữ liệu trong hệ thống này sẽ được chuyển tới máy chủ ở Panama và Hong Kong, gây khó khăn thêm cho quá trình theo dõi của các cơ quan điều tra.
Qua điều tra, công ty này đã bán các thiết bị trên cơ sở thuê bao với chi phí từ 2.000 đến 3.000 USD cho khoảng sáu tháng sử dụng. Để trở thành khách hàng, một người dùng mới phải được bảo đảm bởi một người dùng cũ. Theo ước tính có khoảng 20.000 thiết bị cầm tay của Phantom Secure được sử dụng trên khắp thế giới.
Đây cũng là lần đầu tiên chính phủ Mỹ nhắm mục tiêu vào một công ty vì đã cố ý thực hiện công nghệ mã hóa cho bọn tội phạm. CEO của Phantom Secure, Vincent Ramos đã bị bắt ở Seattle tuần trước và vừa bị đưa ra truy tố hôm qua 15/3 cùng với bốn cộng sự. Họ bị buộc tội gian lận và tham gia vào các âm mưu buôn bán ma túy. Cả hai tội danh đều có mức phạt cao nhất là chung thân. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có Ramos là người duy nhất trong nhóm đang bị giam giữ.
"Tổ chức này được tạo ra để hỗ trợ cho việc buôn bán ma túy quốc tế trên toàn thế giới", luật sư Adam Braverman chia sẻ. "Những kẻ buôn người, bao gồm cả các thành viên của tập đoàn ma túy Sinaloa Cartel, sẽ sử dụng các thiết bị được mã hoá đầy đủ để thực hiện các hoạt động phi pháp, tránh sự giám sát của các cơ quan thực thi pháp luật".
BlackBerry đã không đưa ra bình luận nào và các nhà điều tra chưa xác định liệu công ty danh tiếng này có vai trò gì trong vụ án này hay không. Ông Braverman cho biết FBI và công ty mình sẽ tiếp tục điều tra không chỉ Phantom Secure mà còn các công ty khác chuyên cung cấp thiết bị truyền thông cho các tổ chức tội phạm.
Luật sư này cũng nói thêm rằng hầu hết các điện thoại thông minh trên thị trường đều cung cấp khả năng mã hóa mã hoá cứng, giống như các ứng dụng từ Facebook, Google và Apple. "Sự khác biệt là công ty này lại đặc biệt thiết kế nó để hỗ trợ các tổ chức buôn bán ma túy quốc tế", ông nói.
Năm 2016, Apple đã từ chối cung cấp công cụ cho phép FBI mở khóa một chiếc iPhone thuộc sở hữu của Syed Farook, người đàn ông tham gia vào một vụ nổ súng hàng loạt dẫn đến cái chết của 14 người. Và một phát ngôn viên của FBI mới đây đã nhắc lại mối quan tâm của cơ quan này về việc tội phạm có thể "đi cửa sau" và ẩn trốn đằng sau những công nghệ tinh vi này.
Trong khi đó, các nhà hoạt động về quyền riêng tư và các nhà hoạt động vì quyền tự do lại lập luận rằng việc loại bỏ hoặc làm suy yếu hệ thống mã hóa sẽ khiến mọi người có nguy cơ bị trộm cắp dữ liệu và giám sát, chứ không chỉ riêng bọn tội phạm.