Cụ thể, khi cô đặc một phần trong những chất có ở khói thuốc lá, các nhà khoa học thu được chất gudron - một chất lỏng nhờn nhờn, mùi khó ngửi. Ước tính, trong một đời người nghiện thuốc lá sẽ nhận khoảng 30 - 35 kg gudron. Trong gudron này chứa nhiều chất độc, đặc biệt là nicôtin và benzopyren. Cả hai đều có tác động rất mạnh và rất nguy hiểm, chỉ hơi chạm vào mỏ chim sẻ một que tăm tẩm ướt bằng nicôtin, chim sẽ chết ngay. Một giọt nicôtin có thể giết chết 4 con thỏ hay một con chó, bảy giọt giết chết một con ngựa.
Khi vào cơ thể, nicôtin tan vào máu, đi khắp nơi cơ thể, đến từng tế bào và sau đó ra ngoài qua nước tiểu. Sau một tuần lễ từ lúc hút một điếu thuốc, trong nước tiểu của người đó vẫn còn thấy dấu vết của nicôtin.
Dù một góc dù nhỏ hẻo lánh đến đâu của cơ thể người nghiện thì cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của nicôtin qua sự nhạy cảm của hệ thần kinh. Những sự rối loạn ở tất cả các cơ quan xuất hiện, và một khi thuốc lá cứ được tiêu thụ một cách liên tục với cường độ cao, thì bệnh tật sẽ càng nhiều.
Bệnh xơ vữa động mạch và cao huyết áp khi có thêm nicôtin sẽ nặng thêm và đẻ ra những bệnh nặng như xuất huyết não, liệt và hoại thư ở chân, đau nhói ngực với biến chứng rất nguy hiểm của nó, tức là bệnh nhồi máu cơ tim.
Bệnh đau nhói ngực và nhồi máu cơ tim hay gặp ở những người nghiện thuốc lá, nhiều gấp 12 lần so với ở những người không hút. Tổng bệnh nhân hoại thư chân có 95% là nghiện thuốc lá. Cứ 3 người chết do bệnh tim thì có 2 người nghiện thuốc. Loét dạ dày ở người nghiện thuốc lá nhiều hơn gần 10 lần ở người không hút...
Trong khói thuốc lá còn có một kẻ thù khác rất nguy hiểm cho con người, đó là chất benzopyren gây ra bệnh ung thư phổi. Trong mấy chục năm gần đây, người ta thấy số người chết vì bệnh ung thư phổi tăng lên một cách đáng lo ngại. Các thống kê đã chứng minh việc tăng trường hợp mắc ung thư phổi đi liền với việc tăng tiêu thụ thuốc lá. Tổ chức Y tế Thế giới đã chỉ rõ tác nhân gây bệnh ung thư dẫn đầu bảng là nghiện thuốc lá.
Các nghiên cứu còn cho thấy, người hút thuốc lá dễ bị ung thư phổi gấp 20 lần so với người không hút. Việc nghiện thuốc lá làm giảm tuổi tho trung bình là 5 năm. Tính ra một điếu thuốc lá cướp mất của người hút 10 phút trong cuộc đời.
Ai cũng biết vitamin C có một tầm quan trọng đặc biệt với cơ thể con người. Nó làm tăng sức làm việc, tăng sức đề kháng với bệnh tật và giúp người ta chống trả lại các bệnh hiện hành nhưng nicôtin trong máu người hút thuốc đã phá hủy vitamin C, dẫn đến những rối loạn lớn trong cơ thể họ.
Tác động đầu độc của khói thuốc lá đối với những người xung quanh người hút, lớn hơn nhiều người ta vẫn tưởng. Những công trình nghiên cứu cho thấy rằng không khí của phòng có khói thuốc lá chứa đựng gần 50% số lượng chất độc nằm trong những điếu thuốc lá đã hút. Khám nghiệm những người không hút cũng thấy có dấu vết nicôtin trong nước tiểu, một tuần lễ sau khi đã ở trong phòng kín có khói thuốc.
Ở những người hít phải khói thuốc (hút thụ động), có thể nhận thấy dấu hiệu: Mệt mỏi thể lực và trí óc, đau đầu, nhức mắt, khô cổ dai dẳng, đau dạ dày, hồi hộp tim và đôi khi, hiếm hơn, có những cơn đau nhói ngực, nhất là đối với những người nhạy cảm với nicôtin. Cơ thể của trẻ trở nên nóng nảy, chóng mặt, nôn ọe, ăn không ngon, đi ỉa lỏng, làm trẻ lớn không bình thường.
Thế nhưng lại không có thứ thuốc hay biện pháp kỳ diệu nào giúp người nghiện cai thành công. "Viên thuốc" duy nhất là nghị lực của người đó. Nhiều ví dụ chứng minh rằng bất cứ người hút thuốc nào cũng có thể gạt bỏ được cơn nghiện ngập xấu xa này, nếu có nghị lực, biết kiên trì.
Giảm hút đến mức tối thiểu mỗi ngày, vứt điếu thuốc còn cháy trước khi hút đến mẩu cuối cùng, không hít khói sâu vào ngực, thường xuyên dạo chơi ở nơi thoảng khí và thở sâu... đấy là một vài lời khuyên bổ ích cho những người không có nghị lực bỏ được thuốc lá.
Lương y Vũ Quốc Trung