"Chúng tôi coi động thái đó là bước đi thù địch của lãnh đạo Moldova, tham gia vào chiến dịch chống Nga của 'tập thể phương Tây'. Điều này sẽ phá hủy hoàn toàn mối quan hệ Nga - Moldova, vốn đã ở mức rất tệ do sai lầm của giới chức Moldova", Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố hôm 24/11.
Nga cảnh báo sẽ trả đũa nếu Moldova tham gia vào các lệnh trừng phạt chống Moskva của Liên minh châu Âu (EU).
Quốc hội Moldova trước đó đã bỏ phiếu thông qua đạo luật về việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt Nga của EU, như một phần trong nỗ lực gia nhập liên minh này.
Đạo luật này gồm các quy định liên quan tới những hành động chống lại các cá nhân, tổ chức chịu ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt Nga sau chiến dịch của nước này ở Ukraine hồi tháng 2/2022. Đạo luật này cũng giúp chống lại ảnh hưởng từ các ông trùm kinh doanh, tỷ phú Nga.
62 nghị sĩ đảng Hành động và Đoàn kết cầm quyền của Tổng thống Moldova Maia Sandu ủng hộ đạo luật, đủ để nó được thông qua. Các thành viên đảng Xã hội đối lập từ chối bỏ phiếu và kêu gọi chuyển vấn đề này tới Ủy ban Venice, một cơ quan của Hội đồng giám sát nhân quyền châu Âu, chuyên tư vấn về luật pháp và các vấn đề hiến pháp.
Tổng thống Moldova Sandu đã lên tiếng phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và cáo buộc Moskva đứng sau âm mưu đảo chính nhằm lật đổ bà. Nga phủ nhận cáo buộc và cho rằng bà Sandu đang gieo rắc tư tưởng chống Nga.
Ủy ban châu Âu tháng này khuyến nghị khởi động các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine và Moldova, trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 12.
Quan hệ giữa Nga và Moldova bắt đầu xấu đi từ năm 2021, khi bà Natalia Gavrilita nhậm chức thủ tướng và ủng hộ nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Moldova nộp đơn xin gia nhập EU tháng 4/2022 và được khối 27 nước cấp tư cách ứng viên hai tháng sau đó, cùng với Ukraine.
Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của EU, hồi đầu tháng 11, khuyến nghị các quốc gia thành viên bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Moldova và Ukraine.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)