"Tôi nghĩ quyết định loại bỏ năng lượng Nga, ở một mức độ nào đó, sẽ là hành động tự sát với các nước Liên minh châu Âu (EU) ở thời điểm này. Trong khi đối với các chính trị gia, đó là hành động tự sát chính trị", đặc phái viên Nga tại EU Vladimir Chizhov nói hôm 29/3.
Đặc phái viên Chizhov cũng đề cập tới quyết định trước đó của Tổng thống Vladimir Putin về việc yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" phải mua khí đốt Nga bằng đồng ruble.
"Tổng thống thông báo phương thức thanh toán mới cho nguồn cung khí đốt đã khiến họ bất ngờ, đồng thời làm cho các chính trị gia cùng các công ty năng lượng bối rối. Họ giờ đây đang bàn về vấn đề tìm đồng ruble ở đâu?", ông Chizhov nói, thêm rằng cơ chế thanh toán mới sẽ được làm rõ trong những ngày tới.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 28/3 tuyên bố Nga đang làm việc về vấn đề thanh toán khí đốt của nước này bằng đồng ruble, nếu châu Âu từ chối phương thức này, Moskva sẽ không giao dịch.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, đại diện nước chủ tịch G7 năm nay, trước đó tuyên bố nhóm này từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng ruble, cho rằng hành động của Nga là "đơn phương và rõ ràng đã vi phạm các thỏa thuận sẵn có". Ông kêu gọi các công ty năng lượng không tuân theo yêu cầu của Tổng thống Putin.
Chính phủ Nga, Ngân hàng Trung ương Nga và tập đoàn năng lượng Gazprom dự kiến trình ông Putin hệ thống cho phép thanh toán khí đốt bằng đồng ruble vào ngày 31/3.
Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga.
Ủy ban châu Âu hôm 28/3 xác nhận EU đặt mục tiêu hoàn toàn không phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga vào năm 2027.
EU và Mỹ hôm 25/3 ký thỏa thuận cung cấp thêm khí đốt của Washington cho châu Âu. Mỹ cho biết sẽ làm việc với các đối tác quốc tế, cố gắng đảm bảo ít nhất 15 tỷ mét khối khí hóa lỏng (LNG) cho thị trường EU vào năm 2022 và tiếp tục tăng trong tương lai.
Ngọc Ánh (Theo TASS)