"Chúng tôi đặc biệt chú ý việc phương Tây cung cấp pháo tầm xa và pháo phản lực HIMARS, không chỉ đe dọa vùng Donbass mà còn cả Nga. Nếu Nga bị tấn công bằng những loại vũ khí tầm xa này, chúng tôi sẽ lập tức đáp trả", Konstantin Gavrilov, trưởng phái đoàn Nga tham gia Đàm phán An ninh Quân sự và Kiểm soát Vũ khí tại Vienna, ngày 27/7 cho biết.
"Nếu lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng pháo phản lực của Mỹ hoặc các vũ khí tầm xa khác của NATO tấn công lãnh thổ Nga, hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng", ông Gavrilov cảnh báo. "Phương Tây gia tăng chuyển giao vũ khí cho Ukraine có thể buộc Nga đưa ra những biện pháp đáp trả cứng rắn hơn".
Ông Gavrilov đưa ra cảnh báo sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov ngày 26/7 cho biết Mỹ và đồng minh ca ngợi cách quân đội quốc gia Đông Âu sử dụng các hệ thống pháo tầm xa mà phương Tây chuyển giao, trong đó có Tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS), khẳng định chúng "tác động tới tiến trình của giao tranh".
Nga tuyên bố phá hủy một số tổ hợp HIMARS, song quan chức Mỹ cho rằng Nga chưa làm được điều này. Trong khi đó, quân đội Ukraine tiếp tục dùng HIMARS tập kích mục tiêu trong khu vực Nga kiểm soát, trong đó có cầu Antonovsky ở tỉnh Kherson.
HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, được phát triển từ tổ hợp M270. Hệ thống HIMARS chuyển giao cho Ukraine được biên chế kíp vận hành ba người, có thể mang 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227 mm với tầm bắn 80-90 km. Mỹ chuyển giao cho Ukraine 20 tổ hợp này.
HIMARS giúp quân đội Ukraine có khả năng tấn công sâu hơn vào phòng tuyến của Nga. Đây được đánh giá là loại vũ khí thắp hy vọng cho lực lượng Ukraine, khi các binh sĩ tin rằng nó có thể giúp họ tạo đột phá trên chiến trường.
Tuy nhiên, các quan chức quân sự và chính quyền Mỹ nói một trong những mối lo ngại hàng đầu của họ khi viện trợ cho Ukraine là nguy cơ kích động một cuộc xung đột trực tiếp giữa NATO với Nga. Loại đạn M31 của pháo HIMARS mà Mỹ đang cung cấp cho Ukraine không thể bắn từ khu vực phía đông Ukraine tới lãnh thổ Nga. Ngoài đạn M31, HIMARS còn có thể khai hỏa Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) với tầm bắn 300 km. Nhưng Lầu Năm Góc không gửi ATACMS cho Ukraine vì lo ngại chúng có thể vươn tới lãnh thổ Nga.
Nga nhiều lần nhấn mạnh động thái bơm vũ khí của phương Tây cho Ukraine sẽ chỉ làm kéo dài xung đột, đồng thời tuyên bố nhắm mục tiêu các lô vũ khí này khi chúng tới lãnh thổ Ukraine.
Nguyễn Tiến (Theo TASS, CNN)