Tổng thống Hàn Moon Jae-in đang chịu áp lực là thúc giục lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đảm bảo các bước cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa khi ông ở Bình Nhưỡng ngày 18-20/9. Tuy mô tả phi hạt nhân là "vấn đề chính" của hội nghị thượng đỉnh, chánh văn phòng của ông Moon, Im Jong-seok, hôm qua cho biết không thể dự đoán được kết quả cuộc họp. Ông nhấn mạnh Tổng thống Hàn sẽ cố gắng thuyết phục ông Kim "có những động thái mạnh mẽ".
Nhiều người Mỹ và Hàn Quốc ngày càng mất kiên nhẫn vì ít có tiến bộ trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên sau các cuộc họp liên Triều hồi đầu năm và cuộc họp lịch sử giữa Donald Trump và Kim Jong-un ở Singapore hồi tháng 6. Bình Nhưỡng đã phá hủy điểm thử hạt nhân Punggye-ri và cơ sở vật chất tại bãi thử Sohae, nhưng các chuyên gia nói rằng chúng có thể được xây dựng lại. Ảnh vệ tinh cho thấy một khu làm giàu urani vẫn tiếp tục hoạt động.
Theo AP, một số chuyên gia cho rằng chuyến đi Bình Nhưỡng của ông Moon có thể thành công nếu ông Kim hứa hẹn gửi bản kê khai đầy đủ số đầu đạn hạt nhân, vật liệu phân hạch và các thiết bị khác mà nước này có, để đổi lại việc Trump đồng ý tuyên bố kết thúc chiến tranh.
Tuy nhiên, Lim Jae-cheon, phó giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul, đánh giá rằng hội nghị thượng đỉnh của tuần này có thể khiến Bình Nhưỡng đưa ra những ngôn từ thiện chí hơn, nhưng ít khả năng có hành động cụ thể.
"Điều quan trọng không phải là những gì Kim Jong-un nói, mà là Triều Tiên thực sự làm gì cho phi hạt nhân hóa", ông nói. "Thật không may là Triều Tiên đã không thực hiện biện pháp cụ thể nào trong vài tháng qua".
Tháp tùng ông Moon trong chuyến đi là một loạt lãnh đạo từ các công ty Hàn Quốc khi họ chuẩn bị cho khả năng đầu tư vào Triều Tiên nếu lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Ông Moon đã cố gắng khuyến khích ông Kim phi hạt nhân hóa bằng cách cung cấp hỗ trợ kinh tế. Moon Chung-in cũng cho biết Tổng thống Hàn muốn đàm phán về việc giảm căng thẳng giữa hai nước, bao gồm giảm lính đóng tại Khu Phi quân sự chia tách hai miền bán đảo.
"Hai nước đang tiến về phía trước với việc cải thiện mối quan hệ trên tất cả phương diện, bao gồm giảm giảm căng thẳng quân sự", Duyeon Kim, chuyên gia của Trung tâm An ninh Mỹ, nhận định.
"Nhưng họ có thể chọc giận Washington nếu các hoạt động của Hàn - Triều làm suy yếu lệnh trừng phạt quốc tế mà Bình Nhưỡng phải gánh chịu, hoặc âm thầm thỏa thuận với nhau mà không thông báo cho Washington", Kim nhận định.
Tiến sĩ James Reilly, phó giáo sư Khoa Chính phủ và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Sydney, đánh giá hội nghị thượng đỉnh này có tầm quan trọng mang tính biểu tượng, theo news.com.au. "Đối với ông Moon, đó là thời điểm quan trọng trong quá trình tiếp cận của ông ấy với Triều Tiên. Ông ấy sẽ tìm kiếm một thỏa thuận về hợp tác chung, thúc đẩy các các dự án chung diễn ra theo đúng tiến độ".
Những dự án này bao gồm tái hợp các gia đình bị chia tách bởi Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953, mở một văn phòng liên lạc trong Khu công nghiệp Kaesong ở phía bắc biên giới.
"Ông ấy sẽ rất phấn khởi nếu đạt được một số thỏa thuận ở Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân, nhưng tôi nghĩ rằng sẽ không có sự thay đổi đáng kể", Reilly nói.
Youkyung Lee, cây bút chuyên về bán đảo Triều Tiên của Bloomberg, nhận xét hội nghị thượng đỉnh này có thể "củng cố hoặc phá vỡ" danh tiếng của lãnh đạo Hàn Quốc.
"Sự tín nhiệm mà ông Moon thu được từ các cuộc họp lịch sử với Triều Tiên đã bị xói mòn bởi tình hình suy giảm kinh tế", bà viết. "Giá nhà đang quá đắt đỏ đối với tầng lớp trung lưu Seoul, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8 đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 8 năm". Mức tín nhiệm của ông Moon lần đầu giảm xuống dưới 50% trong cuộc thăm dò ý kiến của Gallup Hàn Quốc ngày 7/9, từ mức 83% sau hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4 với ông Kim.
Tuy nhiên, Reilly có cái nhìn trái ngược. "Ông ấy thậm chí còn chưa đi hết nửa chừng nhiệm kỳ tổng thống. Đúng là mức tín nhiệm của ông ấy đang thấp nhưng tôi nghĩ hơi sớm khi nói cuộc gặp này sẽ củng cố hay phá vỡ di sản của ông ấy".