Sau hội nghị với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 27/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gọi điện trao đổi với Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 28/4, với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sáng 29/4 và với Tổng thống Nga Putin vào tối 29/4. Tuy nhiên, ông Moon và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa có cuộc điện đàm nào tới nay, theo Korea Times.
Giới chức Phủ Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh) cho biết nguyên nhân là ông Tập bận rộn với các sự kiện trong nước và khẳng định hai nhà lãnh đạo sẽ sớm trao đổi. Một quan chức khác nói rằng hôm 29/4, Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yon đã tóm tắt kết quả hội nghị cho Qiu Guhong, đại sứ Trung Quốc tại Seoul.
Tuy nhiên, hồi đầu tháng ba, dù bận rộn nhiều sự kiện chính trị quan trọng, ông Tập vẫn dành thời gian gặp ông Chung, người tới Bắc Kinh sau chuyến đi Bình Nhưỡng và Washington. Vì vậy, các nhà phân tích chính trị xem việc lãnh đạo Trung - Hàn không liên lạc là biểu hiện sự không hài lòng và lo ngại của Trung Quốc về khả năng bị "ra rìa" trong các cuộc đàm phán tương lai trên bán đảo.
Trong Tuyên bố Panmunjeom, lãnh đạo hai miền Triều Tiên thỏa thuận sẽ xúc tiến các cuộc gặp ba bên với Mỹ, hoặc bốn bên với cả Trung Quốc, để tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên trong năm nay và đưa hiệp định đình chiến thành hiệp ước hòa bình.
Quan chức Nhà Xanh cho biết tuyên bố chấm dứt chiến tranh là một "tuyên bố chính trị", do đó không nhất thiết phải có sự tham gia của Trung Quốc vì quan hệ thù địch của Bắc Kinh với Hàn Quốc và Mỹ từ lâu đã không còn.Giới chức cũng nói rằng Trung Quốc sau này sẽ tham gia ký hiệp ước hòa bình vì là một bên ký hiệp định đình chiến.
Từ việc xem tuyên bố chấm dứt chiến tranh là khởi đầu đối thoại thiết lập hòa bình cho đến thỏa thuận liên Triều và nhận xét của giới chức Nhà Xanh, có thể thấy dường như Trung Quốc đã bị "loại khỏi" vấn đề Triều Tiên.
Thêm vào đó, trong tuyên bố liên Triều, Triều Tiên không đề cập đến việc các lực lượng Mỹ tiếp tục hiện diện ở Hàn Quốc, trái với suy đoán Bình Nhưỡng sẽ yêu cầu Washington rút quân để đổi lấy việc từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nếu Triều Tiên chấp nhận sự hiện diện của quân đội Mỹ trong hoàn cảnh hiệp ước hòa bình được ký kết, ảnh hưởng của Mỹ sẽ mở rộng trên toàn bộ bán đảo và Trung Quốc có thể xem đó là mối đe dọa an ninh và kinh tế.
"Nếu tình trạng này tiếp tục, Trung Quốc có thể mất vai trò đòn bẩy trên bán đảo, trong khi Mỹ và hai miền Triều Tiên có khả năng sẽ cùng kiềm chế Bắc Kinh. Điều này sẽ là cơn ác mộng đối với Trung Quốc nên họ đang cố gắng ngăn chặn tình hình diễn biến theo hướng như vậy", Mun Il-hyeon, giáo sư Đại học Chính trị Pháp luật ở Bắc Kinh, Trung Quốc, nhận định.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 2/5 đã tới thăm Bình Nhưỡng và bàn về những vấn đề của bán đảo với người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho. Các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm hiếm hoi này cho thấy sự thiếu kiên nhẫn của Trung Quốc trước mối lo ngại bị "ra rìa".
Huyền Lê