Trần tín nhiệm với trái phiếu dài hạn phát hành bằng ngoại tệ của Việt Nam cũng được nâng từ B1 lên Ba2, trong khi mức tín nhiệm tối đa với tiền gửi ngoại tệ dài hạn được nâng từ B3 lên B2.
Theo Moody’s, tình hình vĩ mô của Việt Nam đã được duy trì ổn định trong 3 năm qua, cả về tăng trưởng kinh tế và lạm phát. GDP thực từ năm 2012 đến giữa 2014 tăng 5,3%, thấp hơn trung bình 6,8% giai đoạn 2002 - 2011. Tuy nhiên, lạm phát lại được giữ dưới 7,5% trong 26 tháng liên tiếp, dài nhất kể từ năm 2000.
Tăng trưởng cũng được đánh giá là vẫn ở mức cao so với các nước trong cùng nhóm xếp hạng. Tốc độ tăng GDP giảm do nhu cầu nội địa và tăng trưởng tín dụng trong nước yếu. Tuy vậy, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất hàng xuất lại tăng trưởng mạnh, góp phần duy trì hoạt động kinh tế.
Moody’s cũng cho rằng đa dạng hóa xuất khẩu sang các mặt hàng được đầu tư vốn cao (điện thoại di động và hàng điện tử) đã giúp cải thiện cán cân thanh toán và vị thế thanh toán nước ngoài của Việt Nam. Việt Nam đang ngày càng có vai trò quan trọng trong mạng lưới sản xuất hàng điện tử trong khu vực. Cùng với kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng thấp, việc này đã giúp cán cân vãng lai chuyển từ thâm hụt sang thặng dư. Dự trữ ngoại hối vì vậy được đẩy lên kỷ lục 35,9 tỷ USD cuối tháng 4 và tỷ giá được duy trì ổn định.
Bên cạnh đó, hoạt động của khu vực ngân hàng cũng được đánh giá dần bình ổn, làm giảm rủi ro với ngân sách Chính phủ. Hệ quả từ một thập kỷ bùng nổ tín dụng vẫn đang kiềm chế lĩnh vực ngân hàng, làm giảm khả năng và nhu cầu cho vay. Tuy nhiên, thanh khoản đã được cải thiện, giúp thu hẹp quy mô cho vay liên ngân hàng và giảm mức độ phụ thuộc lẫn nhau trong hệ thống tài chính.
Triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam được đánh giá ổn định. Moody’s cho rằng kinh tế vĩ mô ổn định sẽ là yếu tố tích cực với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và khả năng trả nợ nước ngoài của Việt Nam.
Hãng cho biết sẽ xem xét tiếp tục nâng xếp hạng cho Việt Nam nếu nhận thấy cải thiện rõ rệt về tình trạng tài chính của hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Điều này đồng nghĩa với việc giảm rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng với ngân sách Chính phủ. Tương tự, Việt Nam cũng sẽ được tăng bậc nếu tình hình tài khóa được củng cố, khiến thâm hụt ngân sách giảm xuống; và nợ công được cấu trúc lại để giảm rủi ro hối đoái.
Tuy nhiên, Moody’s cũng cho rằng mức vốn hiện tại trong hệ thống ngân hàng vẫn chưa tương xứng, đặc biệt khi chất lượng tài sản còn yếu. Rủi ro từ khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn còn và ngân sách Chính phủ cũng liên tục suy giảm những năm qua do nguồn thu yếu.
Hãng cho biết sẽ hạ xếp hạng của Việt Nam nếu bất ổn vĩ mô tái diễn. Việc này sẽ khiến chi phí đi vay tăng lên và làm suy giảm vị thế thanh toán nước ngoài của quốc gia. Bên cạnh đó, rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng từ hệ thống ngân hàng và khu vực kinh tế công cũng sẽ đe dọa xếp hạng này.
Hà Thu