Cơ sở để hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đưa ra đánh giá này là dựa vào sự cải thiện sức mạnh tài khoá, tiềm năng tăng trưởng kinh tế thông qua thu hút vốn đầu tư nước ngoài và hưởng lợi từ sự tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước đó vào cuối 2019, Moody's đánh giá xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam tiêu cực, phản ánh lo ngại xung quanh những thiếu sót trong quản lý hành chính dẫn đến việc chậm thanh toán nghĩa vụ nợ gián tiếp. Hiện nay, Moody’s ghi nhận điểm số về sức mạnh thể chế được tăng cường trong việc quản lý ngân sách, quản lý nợ, rủi ro chậm trễ thanh toán nợ giảm bớt.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong trung hạn được Moody’s nhận định là đầy hứa hẹn nhờ cải thiện vị thế tài khoá và nợ. Bên cạnh đó, Việt Nam có tiềm năng hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển toàn cầu về sản xuất, thương mại và tiêu dùng hậu đại dịch với sức cạnh tranh của ngành chế biến chế tạo và khu vực kinh tế đối ngoại năng động.
Tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu của Việt Nam đã tăng nhanh kể từ năm 2010 và theo kịp các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ những thay đổi trong sản xuất và thương mại khi tham gia các hiệp định lớn.
Moody's kỳ vọng các thỏa thuận thương mại sẽ củng cố vị thế cạnh tranh của Việt Nam đối với sản phẩm có giá trị thấp như giày dép và hàng may mặc, đồng thời là trung tâm của chuỗi cung ứng công nghệ khu vực để sản xuất điện thoại thông minh, chất bán dẫn và các sản phẩm điện tử khác. Hội nhập thương mại cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần của Việt Nam, vốn kém phát triển hơn so với các nền kinh tế Đông Nam Á khác nhưng đang bắt kịp về hiệu quả.
Bên cạnh đó, khi các công ty đặt mục tiêu đa dạng hóa sản xuất ở châu Á, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do chi phí lao động cạnh tranh, ổn định chính trị và các ưu đãi có lợi cho thương mại và đầu tư.
Moody’s cũng đánh giá các giải pháp chính sách phát triển và kiềm chế dịch bệnh hiệu quả của Việt Nam đã hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và giao thương quốc tế phục hồi nhanh chóng, hỗ trợ thu ngân sách. Về lâu dài, chính phủ đặt mục tiêu cải thiện việc tuân thủ thuế, tăng cường chú ý thu thuế doanh nghiệp kỹ thuật số và doanh nghiệp khu vực phi chính thức, mặc dù hiệu quả của các biện pháp này vẫn chưa được nhìn thấy.
Theo Moody’s, xếp hạng tín nhiệm quốc gia ở mức Ba3 được củng cố bởi những điểm mạnh và điểm yếu. Việt Nam là một nền kinh tế lớn, đa dạng với tiềm năng tăng trưởng cao, có khả năng chống chịu với các cú sốc và năng lực của hệ thống tài chính trong nước để tài trợ cho các khoản vay của Chính phủ với chi phí thấp. Tuy nhiên, rủi ro có thể xuất phát từ những yếu kém dai dẳng do sự thiếu minh bạch trong quản lý doanh nghiệp nhà nước và rủi ro kéo dài trong hệ thống ngân hàng.
Giám sát hệ thống ngân hàng của Việt Nam yếu hơn so với các nước trong khu vực khiến Moody's đánh giá tính nhạy cảm với rủi ro sự kiện. Bất chấp những cải thiện gần đây về khả năng sinh lời, chất lượng tài sản,... vốn hóa nói chung của các nhà băng vẫn ở mức tương đối yếu, bị hạn chế bởi khả năng hạn chế của chính phủ trong việc bơm vốn.
Một số ngân hàng quốc doanh vẫn còn thiếu vốn và phải chịu trách nhiệm tiềm tàng đối với chính phủ. Những căng thẳng này cũng có thể dẫn đến tái xuất hiện bất ổn tài chính, dẫn đến lạm phát cao hơn, tăng chi phí trả nợ hoặc làm xấu đi vị thế thanh toán bên ngoài của đất nước.
Ngoài ra, trong đợt đánh giá xếp hạng tín nhiệm lần này, Moody’s cũng cân nhắc về yếu tố môi trường, xã hội, vấn đề ô nhiễm khí hậu, thời tiết cực đoan, cân bằng nhân khẩu học... là những vấn đề Việt Nam cần quan tâm.
Quỳnh Trang