Cùng với trái phiếu Chính phủ, trần xếp hạng tiền gửi ngoại tệ của Việt Nam cũng bị Moody’s hạ một bậc từ B2 xuống B3. Các mức đánh giá đối với trái phiếu dài hạn bằng ngoại tệ và trần xếp hạng đối với trái phiếu, tiền gửi bằng đồng Việt Nam vẫn lần lượt được giữ ở B1 và Ba2.
Quan ngại chính của Moody's đặt lên hệ thống ngân hàng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Trong khi Moody’s xếp hạng tín nhiệm trái phiếu Việt Nam ở mức B2, thì 2 hãng định hạng lớn khác Standard & Poor’s và Fitch đang lần lượt giữ mức đánh giá là BB- và B+, với triển vọng ổn định. Như vậy, mức đánh giá của Moody’s hiện đang thấp hơn S&P 2 bậc và Fitch một bậc. |
Lý giải về quyết định hạ bậc tín nhiệm đối với trái phiếu Việt Nam, 2 nguyên nhân chính được Moody’s đề cập là rủi ro trong việc Chính phủ phải can thiệp sâu vào quá trình cơ cấu nợ của hệ thống ngân hàng, gây ảnh hưởng tới sức khỏe tài chính. Cùng với đó là khả năng tăng trưởng kinh tế trong trung hạn thấp hơn dự báo do ảnh hưởng từ hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, hãng xếp hạng tín nhiệm này cho rằng các nhà băng Việt Nam hiện vẫn trong giai đoạn “ dễ tổn thương” sau một thời gian dài tăng trưởng tín dụng mạnh (trung bình 33,7% một năm trong giai đoạn 2007 - 2011). Ngay sau đó, Chính phủ Việt Nam đã có các giai đoạn nhằm thắt lại tín dụng, tránh cho dòng tiền vào nền kinh tế tăng quá nóng.
Việc làm này được ghi nhận là tích cực, song việc giảm nhanh tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng lại khiến cho chất lượng tín dụng tại các nhà băng xấu đi. Chi phí xử lý nợ tăng cao trong khi khu vực tư nhân không tham gia nhiều vào quá trình này sẽ khiến Chính phủ phải tốn kém đáng kể trong quá trình tái cơ cấu. Theo Moody’s điều này có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tài chính của Việt Nam. “Kinh tế vĩ mô được phục hồi, lạm phát giảm, dự trữ ngoại hối tăng… nhưng chưa tương xứng với mức độ dễ tổn thương của hệ thống ngân hàng”, hãng này nhận định.
Đặt triển vọng xếp hạng của trái phiếu Việt Nam ở mức ổn định, theo Moody’s quyết định thăng hạng cho Việt Nam có thể được đưa ra trong trường hợp đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng chứng minh được hiệu quả, các kết quả quản trị kinh tế, ổn định vĩ mô được chứng minh trong giai đoạn dài hơi hơn… Ngược lại, trong trường hợp các thống kê cho thấy chi phí tái cơ cấu ngân hàng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tài chính của Chính phủ hoặc gây bất ổn vĩ mô, rất có thể trái phiếu Việt Nam sẽ tiếp tục tụt hạng.
Sau khi hạ bậc tín nhiệm đối với trái phiếu Chính phủ, Moody's cũng vừa công bố hạ bậc xếp hạng đối với 8 ngân hàng thương mại Việt Nam, bao gồm Ngân hàng Á châu (ACB), Đầu tư & Phát triển (BIDV), Quân đội (MBB), Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Sài Gòn Thương tín (Sacomabank - STB), Kỹ thương (Techcombank - TCB), Công thương (Vietinbank - CTG) và Quốc tế (VIB). Đây thực chất là hệ quả của việc hạ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Xếp hạng cụ thể với 8 ngân hàng
ACB |
BIDV |
MBB |
SHB |
STB |
TCB |
CTG |
VIB | |
Tín dụng độc lập - cũ |
E+ |
E+ |
E+ |
E+ |
E+ |
E+ |
E+ |
E+ |
Tín dụng độc lập - mới |
E |
E |
E |
E |
E |
E |
E |
E |
Tiền gửi nội tệ - cũ |
B2 |
B1 |
B2 |
B2 |
B1 |
B1 |
B1 |
B2 |
Tiền gửi nội tệ - mới |
B3 |
B2 |
B3 |
B3 |
B3 |
B3 |
B2 |
B3 |
Tiền gửi ngoại tệ - cũ |
B2 |
B2 |
B2 |
B2 |
B2 |
B2 |
B2 |
B2 |
Tiền gửi ngoại tệ - mới |
B3 |
B3 |
B3 |
B3 |
B3 |
B3 |
B3 |
B3 |
Triển vọng* |
S |
S |
S |
S |
S |
S |
S |
S |
*Xếp hạng nêu trên dành cho các khoản tiền gửi dài hạn. Xếp hạng đối với các khoản tiền gửi ngắn hạn tại các ngân hàng không bị ảnh hưởng trong lần xem xét này.
**S: Ổn định. Nguồn: Moody's
Nhật Minh