Báo cáo đánh giá trái phiếu chính phủ theo 4 tiêu chí chính - Sức mạnh kinh tế (Cao), Sức mạnh thể chế (Thấp), Sức mạnh tài khóa (Thấp) và Khả năng chống chịu rủi ro (Cao).
Moody’s đánh giá Việt Nam tăng trưởng mạnh và có nền kinh tế đa dạng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn cao, thâm hụt tài khóa lớn và gánh nặng nợ Chính phủ đang tăng. Bên cạnh đó, dù môi trường hoạt động của ngành ngân hàng đã bình ổn, mức vốn vẫn thấp và chất lượng tài sản còn yếu.
Trong 2 năm qua, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã lên trên 6%, cao hơn so với nhiều nước cùng khu vực và cùng bậc tín nhiệm. Moody’s dự báo tốc độ tăng trưởng thực sẽ vẫn quanh 6% trong 2 năm tới.
Xuất khẩu của Việt Nam vẫn đi lên, bất chấp kinh tế Trung Quốc và toàn cầu chững lại. Tăng trưởng cũng được hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước và đầu tư nước ngoài hồi phục, lạm phát thấp và tiêu dùng mạnh. Nhu cầu nội địa tăng một phần nhờ tăng trưởng tín dụng nhanh và lập trường nới lỏng tài khóa. Tuy nhiên, tiếp tục duy trì các biện pháp kích thích như thế này có thể gây rủi ro tài chính.
Nhu cầu nội địa mạnh cũng đẩy cao nhu cầu hàng xuất khẩu, khiến thặng dư vãng lai giảm. Moody’s dự báo thặng dư sẽ chỉ còn 0,6% năm nay. Tuy nhiên, với cơ chế tỷ giá mới của ngân hàng trung ương, Moody’s kỳ vọng cán cân thanh toán vẫn thặng dư và dự trữ ngoại hối sẽ tăng lên.
Sức mạnh thể chế của Việt Nam đã cải thiện 3 năm liên tục. Tốc độ cải tổ kinh tế cũng tăng tốc vài năm gần đây, phần nào hỗ trợ quá trình tái cơ cấu ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, thâm hụt tài khóa vẫn còn lớn. Nợ công Việt Nam đã tăng thêm hơn 10% từ năm 2012, lên 50,3% GDP năm ngoái.
Mức độ chống chịu rủi ro của Việt Nam phụ thuộc vào ngành ngân hàng. Moody’s đánh giá hệ thống ngân hàng Việt Nam còn yếu, do chất lượng tài sản không cao và áp lực về vốn lớn. Những điểm yếu này càng có ảnh hưởng lớn khi tốc độ tăng trưởng tín dụng năm ngoái lên tới 25%, tăng so với 16% năm 2014.
Hà Thu