Hải quân Trung Quốc đang sở hữu tàu sân bay Liêu Ninh và hàng không mẫu hạm nội địa Type-001A đang thử nghiệm trên biển nhằm phục vụ tham vọng xây dựng các nhóm tác chiến tàu sân bay để phát huy sức mạnh trên đại dương. Tuy nhiên, hải quân Trung Quốc lại không có đủ tiêm kích hạm để trang bị cho hai tàu sân bay cùng lúc, khiến "móng vuốt" của chúng bị giới hạn đáng kể, theo Asia Times.
Tiêm kích hạm chủ lực của Bắc Kinh là mẫu J-15 do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) phát triển, bay thử lần đầu từ tàu sân bay Liêu Ninh hồi năm 2012. Tuy nhiên, tiến độ sản xuất và biên chế dòng J-15 chỉ duy trì ở mức độ thấp trong 6 năm qua. Không quân hải quân Trung Quốc tới nay chỉ sở hữu 40 chiếc.
Trong khi đó, tàu sân bay Liêu Ninh cần ít nhất 24 tiêm kích hạm J-15 để bảo đảm khả năng tác chiến. Chiếc Type-001A đang thử nghiệm trên biển Hoàng Hải cũng yêu cầu số lượng tương tự, thậm chí còn nhiều hơn để duy trì sức mạnh trong các xung đột tương lai. Điều đó đòi hỏi Trung Quốc biên chế ít nhất 50-60 chiếc J-15 để duy trì khả năng vận hành, tác chiến và bảo dưỡng lực lượng tiêm kích hạm.
Dòng J-15 được AVIC sao chép từ tiêm kích hạm Su-33 của Liên Xô, sau khi Trung Quốc mua một nguyên mẫu chưa hoàn thiện từ Ukraine vào đầu thập niên 2000. Máy bay được trang bị nhiều hệ thống điện tử, radar, động cơ và vũ khí do Bắc Kinh tự phát triển.
Dù được coi là bước tiến lớn với hải quân Trung Quốc, J-15 cũng khó lòng tạo nên sự khác biệt trong tác chiến hàng hải. Nó chỉ có thể vận hành trên tàu sân bay sử dụng cơ chế cầu nhảy (ski-jump), giới hạn đáng kể tải trọng vũ khí và nhiên liệu có thể mang theo trong mỗi nhiệm vụ. Bắc Kinh cũng chưa có máy bay tiếp dầu trên hạm, khiến J-15 có bán kính chiến đấu rất ngắn.
Truyền thông Trung Quốc từng nhiều lần chê bai tính năng của dòng J-15, cho rằng nó không thể rời quá xa tàu sân bay Liêu Ninh nếu mang tải vũ khí lớn.
J-15 cũng nằm trong nhóm tiêm kích hạm nặng nề nhất thế giới, với khối lượng rỗng gần 18 tấn và khối lượng cất cánh tối đa 33 tấn. Vấn đề này càng gây khó khăn cho hoạt động tác chiến của tàu sân bay Trung Quốc, khi những chiếc J-15 phải hạn chế số lượng vũ khí và nhiên liệu để tránh làm quá tải hệ thống cáp hãm đà.
Hồi giữa năm nay, quan chức hải quân Trung Quốc xác nhận nước này đang phát triển dòng tiêm kích hạm mới, có khả năng vận hành cùng hệ thống máy phóng trên tàu sân bay Type-002A tương lai, nhằm thay thế cho những chiếc J-15.
Theo giới quan sát, việc phát triển tiêm kích mới bắt nguồn từ ít nhất 4 vụ tai nạn với J-15, khiến một phi công thiệt mạng và nhiều người bị thương, nhưng chỉ có hai vụ được công bố trên truyền thông. "J-15 bộc lộ nhiều vấn đề, trong đó hệ thống kiểm soát bay không ổn định là yếu tố chính dẫn đến hai vụ tai nạn nghiêm trọng cách đây hai năm", một nguồn tin tiết lộ.
Tháng 4/2016, phi công Zhang Chao, 29 tuổi, tử vong sau khi cố gắng cứu chiếc J-15 bị hỏng cần điều khiển trong buổi tập hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh nhưng bất thành. Ba tuần sau, phi công Cao Xianjian bị thương nặng khi gặp phải vấn đề tương tự với một tiêm kích J-15 khác. Những vụ tai nạn trên khiến hải quân Trung Quốc lo ngại đến mức cấm bay mọi phi đội J-15 trong ba tháng, đồng thời kêu gọi tiến hành điều tra.
"Cho tới khi ra mắt được dòng tiêm kích hạm mới, Trung Quốc sẽ phải trông chờ vào dòng J-15 đầy lỗi và thiếu hụt về số lượng", chuyên gia quân sự Li Jie nhận định.