Khi Nguyen Thanh An gặp vợ tương lai, Le Thi My Thuy, lần đầu tiên cách đây 15 năm, anh biết ngay cô cũng là "con lai", giống mình. Cả hai cùng có tuổi thơ khó khăn vì nguồn gốc của mình. Thanh An và My Thuy bắt đầu hẹn hò, và có một con trai rồi mới kết hôn năm 2007.
"Có rất nhiều điều để nhắc tới. Chúng tôi chia sẻ quá khứ giống nhau, cảm giác giống nhau", anh Thanh An, 45 tuổi, nói. Hiện người đàn ông này là thợ cơ khí ở tỉnh Bình Dương.
Sau ngày 30/4/1975, An được cho đi làm con nuôi. Mẹ Thanh An sau đấy qua đời, còn những thành viên khác trong gia đình rời Việt Nam.
Thanh An chia sẻ bố mẹ nuôi của anh không tốt. Cuối cùng họ bán Thanh An cho một nhà khác. Nhưng Thanh An cũng rời bỏ gia đình đó và trải qua phần lớn quãng thời gian đầu đời trong trại trẻ mồ côi và trên đường phố.
Thanh An và My Thuy gần như chẳng biết gì về cha mình, dù cả hai tin chắc rằng họ là con của lính Mỹ từng ở Việt Nam suốt thời kỳ chiến tranh. Tuy nhiên, họ không có nhiều bằng chứng. My Thuy mang ra giấy tờ xin thị thực Mỹ màu vàng bị từ chối năm 1996 với dòng chữ nguệch ngoạc: "Không có bằng chứng cha là người Mỹ".
Vợ chồng Thanh An hiện sống cùng con trai trong căn hộ tập thể ở khu công nghiệp cách TP HCM khoảng 2 tiếng đi xe. My Thuy mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ buôn bán ngay trước nhà. Vợ chồng cô mỗi tháng kiếm được khoảng 140 USD.
"Cuộc sống vẫn chật vật nhưng không khó khăn như trước đây. Chúng tôi nghèo nhưng vợ chồng tôi luôn chia sẻ khó khăn cùng nhau", My Thuy nói.
Chung cảnh ngộ, Nguyen Thi Thuy, hiện 42 tuổi, cũng lớn lên với tuổi thơ bị bạn bè trêu chọc. Ngày còn nhỏ, Thuy chăn trâu trên cánh đồng của gia đình bố mẹ nuôi. Với cô, những con vật này là bạn. Thuy chia sẻ từng bị bạn cùng lớp và hàng xóm ở Củ Chi bắt nạt hay chòng ghẹo vì nguồn gốc con lai của mình. Một ngày nọ, đám đông đi theo Thuy, gọi cô là "Mỹ đen", rồi ném đá và dùng que đánh.
Sau chiến tranh, mẹ Thuy đem cô cho nhà khác làm con nuôi. Thuy kể gia đình bố mẹ nuôi bắt cô làm lụng quần quật trên cánh đồng. Thuy thích đi học và cố gắng theo đến lớp 12 nhưng buộc phải nghỉ ở nhà vì không có tiền mua đồng phục.
Sau đó, cô đi học may rồi mở cửa hàng riêng. Thuy kết hôn với một người đàn ông yêu thương mình. Theo Thuy, chồng cô không quan tâm tới việc vợ là con lai. Hai người có hai con gái, hiện 12 và 14 tuổi.
Năm 18 tuổi, Thuy từng đi tìm mẹ đẻ và thấy bà ở một thị trấn cách chỗ cô ở một tiếng đi xe. Mẹ cô tỏ vẻ không vui trong ngày gặp lại con. Bà đã xây dựng gia đình và có thêm năm đứa con khác. Bà lạnh nhạt với Thuy vì sợ sự có mặt của cô sẽ gây phiến phức cho gia đình hiện tại.
Kể từ đó, giữa hai mẹ con có khoảng cách. Mẹ cô đưa ra những cái tên khác nhau của người lính được cho là cha của con gái bà, làm phức tạp quá trình tìm kiếm của Thuy. Thuy hy vọng ADN sẽ giúp cô tìm cha, thông qua tổ chức Chiến dịch Đoàn tụ của Trista Goldberg, 44 tuổi, cũng là con lai ở bang New Jersey, Mỹ. Năm 2003, Goldberg tới TP.HCM, gặp gỡ 80 con lai Á Mỹ để tập hợp các mẫu ADN. Bà hy vọng phương pháp này có thể giúp khoảng 400 con lai đang chờ xác nhận để xin thị thực Mỹ.
Thuy tâm sự suy nghĩ một ngày nào đó sẽ tìm thấy cha là động lực duy nhất giúp cô vượt qua những khó khăn trong cuộc sống nhiều năm qua.
"Lúc chăn trâu một mình giữa cánh đồng vắng, tôi nhìn lên trời và nghĩ: 'cha chắc ở một nơi xa xôi nào đó. Tôi không biết ông có đi tìm tôi không", Thuy nói.
Với Nguyen Thanh Trung, 46 tuổi, những gì ông biết về cha mình chỉ là cái tên "Sandy", một binh lính thuộc sư đoàn bộ binh 25 đóng tại căn cứ Củ Chi. Giống như nhiều người mẹ có con lai, mẹ Trung đốt sạch những lá thư cùng ảnh của cha ông sau chiến tranh vì sợ phiền toái. Bà gửi Trung cho cha đỡ đầu nuôi nấng. Trung lớn lên với tuổi thơ bị các bạn cùng lớp chế nhạo. Trung bỏ học sau vài năm đến trường.
Vào những năm 1990, nhiều người thuộc diện con lai nộp đơn tham gia chương trình tái định cư cho những đứa trẻ sinh ra ở Việt Nam là con của lính Mỹ. Ông hỏi mẹ về nguồn gốc của mình và được bà kể rằng người lính đó biết bà mang thai lúc rời khỏi Việt Nam và nói sẽ gặp lại bà vào một ngày nào đó. Mẹ Trung đã chờ đợi suốt 20 năm.
"Tôi muốn nhập cư nhưng chẳng có giấy tờ gì", Trung nói. "Cơ hội duy nhất của tôi là kết quả ADN". Nếu tìm thấy cha, Trung bảo chỉ muốn hỏi một câu với ông ấy "tại sao lại bỏ con lại?".
May mắn hơn cả, Tran Thị Huong, 45 tuổi, đã tìm thấy cha và hiện ông vẫn sống ở Mỹ. Tên là Tran Thi Huong nhưng người phụ nữ này thường gọi mình là Sandy. Đó là cái tên mà người cha Mỹ đặt cho cô trước khi trung sĩ này rời khỏi căn cứ Cam Ranh năm 1969. Cha của Sandy được cho là rất vui mừng trước sự ra đời của con, thậm chí ông còn chụp một bức ảnh đặc biệt với con gái. Nhưng sau đó, ông ra đi mà không lời từ biệt.
Bức ảnh ấy là tất cả những gì còn lại về mối tình của cha mẹ Sandy. Năm ngoái, Anh Tran, một nhà tổ chức sự kiện ở thành phố Philadelphia, Mỹ, đồng thời là họ hàng với Sandy bắt đầu lên đường tìm cha cho cô.
Anh Tran biết tên của người lính đó nhưng biết rất ít thông tin về ông. Với sự giúp đỡ của một nhóm tình nguyện kết nối các cựu binh và con cái họ, Fatherfounded.org, người này đã tìm ra cha Sandy sau ba tháng. Ông hiện sống ở thành phố Cleveland, bang Ohio.
Các cô con gái Mỹ của cựu binh này xác nhận người đàn ông trong ảnh là cha họ và hoan nghênh chị gái cùng cha khác mẹ ở Việt Nam. Tuy nhiên, cựu binh già và cộc cằn cho đến nay ít nhắc tới đứa con gái ở Việt Nam và vẫn chưa liên lạc với cô.
Những câu chuyện như thế không hiếm với nhiều người con lai. Theo ước tính, chỉ có khoảng 3 % con lai tới Mỹ đoàn tụ cùng cha mình. Nhiều ông bố không muốn được tìm thấy hoặc chỉ muốn quên đi quãng thời gian chiến tranh.
Hàng sáng, Sandy, hiện 45 tuổi, dậy sớm ra biển thu gom ốc. Cô chế biến chúng tại một cửa hàng nhỏ trước nhà ở thành phố Cam Ranh. Những người bạn của cô thường tới đây tụ tập chuyện trò và nếm thử các món đặc biệt của Sandy. Sandy vẫn rất gần gũi với mẹ và bà cũng sống gần nhà con gái.
Sandy biết người họ hàng đã tìm thấy cha giúp mình nhưng cuộc sống của cô hầu như không thay đổi kể từ sau đó.
"Tôi thực sự muốn gặp lại cha. Có lẽ họ sẽ đến gặp tôi?", Sandy khẽ nói.
Bình Minh (Theo Washington Post)