Giống như nhiều binh sĩ trong các bức ảnh của mình, Art Greenspon tới Việt Nam năm khoảng 20 tuổi để chụp ảnh tư liệu chiến tranh cho hãng thông tấn AP. Sau vài tháng đến Việt Nam, trong một lần đi cùng binh lính thuộc đại đội A, tiểu đoàn không vận số 101 tại thung lũng A Sầu ở biên giới giữa Việt Nam và Lào, Greenspon đã chụp khoảnh khắc được phóng viên ảnh chiến trường David Douglas Duncan của Time - Life đánh giá là "bức ảnh ấn tượng nhất từng có về chiến tranh Việt Nam".
Ảnh chụp lính Mỹ bị thương đang ẩn náu trong một khu rừng gần Huế vào tháng 4/1968. Trong đó, nhân vật trung tâm là một người lính giơ hai tay lên cao ra hiệu, hướng dẫn trực thăng hạ cánh. Đôi tay của người này giống như đang cầu nguyện mong sớm thoát khỏi nơi đó.
Tác phẩm của Art Greenspon được dùng làm trang bìa cuốn sách ảnh của hãng AP có tên gọi "Việt Nam - Cuộc chiến thực sự". Cuốn sách gồm những bức ảnh xuất sắc của các phóng viên chiến trường ở Việt Nam. Ảnh lúc đầu được đăng trên trang nhất tờ The New York Times vào cuối tháng 4/1968 và sau đó được AP giới thiệu khắp thế giới. Tác phẩm cũng được đề cử giải thưởng Pulitzer, từng giành nhiều giải của Hiệp hội phóng viên ảnh và Câu lạc bộ ảnh nước ngoài cùng năm đó.
Dưới dây là phần lược dịch cuộc phỏng vấn Art Greenspon do phóng viên Peter van Agtmael của Time thực hiện năm 2013.
- Hãy kể cho chúng tôi nghe về tiểu sử của ông. Tại sao ông trở thành phóng viên ảnh?
Bố tôi có một chiếc Zeiss Ikon cũ ông mang về từ Thế chiến II. Tôi thích nó nhưng bố chẳng bao giờ để tôi dùng chiếc máy ảnh này. Thay vào đó, ông mua cho tôi chiếc Brownie Hawkeye. Tôi có rất nhiều kỷ niệm vui về việc chiếm phòng tắm dưới tầng để in ảnh.
Khi đang làm việc cho WCBS-TV ở New York, tôi thường khiến các nhà quay phim phát điên vì hỏi máy quay của họ hoạt động như thế nào và tại sao họ quay góc này hay góc kia. Tôi quan tâm tới những gì họ đang làm hơn cả bản tin tào lao mà tôi phải đưa. Tôi từ bỏ công việc đầy mê hoặc ở kênh tin tức để làm trợ lý phòng tối (phòng tráng phim) trong một studio thương mại nhỏ và nhận lương 6 USD một tuần. Tôi sướng rơn.
- Tại sao ông lại tới Việt Nam? Hãy kể cho tôi nghe một chút về thời gian ông ở đó trước khi ông chụp được bức ảnh nổi tiếng.
Tâm điểm lớn nhất giữa những năm 1960 là Việt Nam. Vào những ngày cuối tuần, tôi ra phố chụp biểu tình và những màn tuần hành ủng hộ binh lính.
Cứ đến ngày kỷ niệm Chiến sĩ Trận vong, cha tôi lại đưa cả gia đình đi xem diễu hành ở thành phố Bridgeport, bang Connecticut. Nước mắt dâng tràn khóe mi ông mỗi lần lá cờ Mỹ ngang qua. Cha tôi rõ ràng bị xúc động vì những trải nghiệm chiến tranh ùa về. Tôi và anh trai được nuôi dạy luôn phải có thái độ tôn trọng đất nước cùng các binh sĩ. Bằng cách này hay cách khác, lúc đầu, tôi không có cảm xúc đặc biệt gì về Việt Nam, nhưng tôi biết mình sẽ chẳng bao giờ tìm thấy "sự thật" ở nhà. Sự thật là ở Việt Nam.
Phóng viên ảnh Tim Page của UPI đã thổi vào cuộc sống của tôi một cơn lốc. Anh ấy thích những bức ảnh của tôi. Page gọi tôi bằng biệt danh "Garspon". "Cậu phải đi. Tôi sẽ giới thiệu cậu với Bill Snead ở UPI". Snead cũng thích ảnh tôi chụp. "Tôi không thể đưa cậu tới đó", Snead nói. "Nhưng nếu đến Sài Gòn, cậu có thể liên lạc với chúng tôi".
Sau khi bán chiếc Volkswagen beetle với giá 600 USD, tôi mua vé một chiều tới Sài Gòn, lấy visa du lịch 10 ngày và bắt đầu lên đường như một phóng viên ảnh tự do để cho thế giới biết "sự thật" về Việt Nam. Tôi đến đó vào Giáng sinh năm 1967. Tôi quá ngây ngơ nên chẳng biết sợ là gì.
Bill Snead và một vài người bạn ở hãng CBS đã chỉ dẫn cho tôi. Tôi dành một vài tuần đi cùng nhiều đơn vị khác nhau nhưng chẳng thu được kết quả là bao. Tôi giao phim cho Snead, anh ấy mua ba bức và điều này làm tôi thất vọng. Sau đó, Horst Faas ở hãng AP mua 8 bức khác khiến tôi phấn khởi hẳn lên với số tiền 165 USD.
Tôi đi về phía bắc Khe Sanh và trở lại Huế với những cuộn phim rồi bán ảnh và cứ tiếp tục như vậy. Tôi không cô độc. Page ở đây cùng Sean Flynn và Dana Stone. Mike Herr từng viết trong cuốn sách về báo chí Dispatches rằng: "Việt Nam là những gì chúng ta có, thay vì một tuổi thơ hạnh phúc". Cuốn sách miêu tả những trải nghiệm của chính tác giả với vai trò phóng viên chiến trường.
Về phần mình, tôi có nhiều đêm mất ngủ và hay nghĩ tới những trải nghiệm trận mạc trước đây. Tôi ngồi tựa lưng vào tường và rùng mình khi nghe thấy những tiếng động lớn. Tôi có những triệu chứng cơ bản của rối loại căng thẳng hậu sang chấn tâm lý (PTSD). Trong vòng hơn ba tháng, tôi đã trải qua nhiều trận chiến và đang bắt đầu lĩnh hậu quả.
- Ông chụp được bức ảnh đấy trong hoàn cảnh nào? Ông có thể kể đôi chút về hôm đó chứ?
Tháng 4/1968, tôi cảm thấy mình đã trở thành một phóng viên chiến trường thực thụ. Tôi thực sự thích nói về chiến tranh và nhiếp ảnh với Fass, Eddie Adams và Larry Burrows. Bạn cần phải hiểu rằng trong số 600 nhà báo chính thức được công nhận thường trú tại thời điểm đó, chỉ có khoảng 50 người chúng tôi ra mặt trận thường xuyên. Số còn lại đưa tin về chỉ thị quân sự, mà theo như chúng tôi gọi là "kịch thời sự 5h". Nhiều phóng viên còn được thăng quân hàm từ trong quán bar và nhà thổ của Sài Gòn.
Một vài sư đoàn của quân Giải phóng hành quân ở những quả đồi bao quanh thung lũng A Sầu thuộc Huế. Giữa tháng 4, bộ tư lệnh quyết định chuyển gần như toàn bộ Sư đoàn Kỵ binh số 1 vào đây nhằm đánh bật quân Giải phóng. Lúc chen xuống từ chiếc máy bay lên thẳng cùng Dana Stone và một vài êkíp phóng viên truyền hình khác, tôi hy vọng sẽ có trận hỏa lực dữ dội. Nhưng chẳng có gì. Tôi không chụp bức ảnh nào.
Tôi nhảy lên chiếc trực thăng vận chuyển quân nhu để về Quảng Trị rồi tìm đường tới phòng thông tin (PIO). Ở đây họ bảo tôi rằng vài tiểu đoàn thuộc sư đoàn không vận số 101 và 173 đang đánh chặn ở phía tây nam Huế. Không có nhà báo nào ở đó nên họ cho tôi quá giang. Tuy nhiên, họ cảnh báo thời tiết rất tệ và không thể đảm bảo sẽ đưa tôi ra khỏi đó khi tôi muốn. Thế cũng là may cho tôi rồi.
Tôi đến nơi vào cuối giờ chiều. Chúng tôi thực ra chưa bao giờ hạ cánh vì tôi phải nhảy xuống từ độ cao gần 2 m sau khi những tải đạn được đá từ trên máy bay xuống.
Đại đội Alpha là nơi tôi được đưa tới. Trời bắt đầu tối và đơn vị này có kế hoạch di chuyển xuống bên dưới qua thung lũng cỏ voi rồi leo lên quả đồi đối diện để kết hợp với đại đội Charlie. Một trung sĩ chẳng ngại ngần nói với chỉ huy của mình rằng anh ta nghĩ băng qua thung lũng cỏ voi có đầy quân Giải phóng giữa trời tối là một ý tưởng tự sát và ngu xuẩn.
Sau khi bàn bạc, chỉ huy quyết định giữ nguyên ý kiến. Tầm nhìn của chúng tôi bị hạn chế khi đi vào bãi cỏ voi. Trung sĩ (người giơ tay lên trong tư thế như cầu nguyện trong bức ảnh) nói anh ta biết chúng tôi sẽ bị mai phục. Đột nhiên, quanh tôi hỗn loạn. Có ai đó đẩy tôi từ phía sau xuống đất và giữ chặt lấy tôi. Những viên đạn xuyên qua bụi cỏ. Chẳng người nào gần tôi dám nổ súng. Tầm nhìn bị hạn chế từ mọi hướng. Tiếng đạn vang lên khoảng một đến hai phút rồi thôi.
Tôi tới chỗ những người bị thương đang được chữa trị. Lúc tôi định giơ chiếc Leica lên chụp thì anh lính cứu thương đưa tay lên và lắc đầu. Có quá nhiều người chết trong lần bị phục kích đó.
Chúng tôi kết hợp với đại đội Charlie. Lực lượng này có gần một nửa số người chết hoặc bị thương. Họ không còn nhiều đạn dược, lương thực, nước và thuốc men cũng cạn kiệt. Tôi cầm những lon nước trái cây đi loanh quanh phát cho họ. Ngày hôm đó, chắc tôi đã phải từ bỏ nhiều bức ảnh ấn tượng.
Thời tiết thật kinh khủng. Sương mù dày đặc sà xuống thấp và mưa rào. Chúng tôi ở lại trên đỉnh đồi. Đêm đó trời mưa to và chẳng ai ngủ được. Tôi loay hoay sao cho máy ảnh không bị ướt. Thách thức của chúng tôi khi ấy là đưa người chết và bị thương ra khỏi khu vực này. Chúng tôi nhận lệnh sẵn sàng đưa lính bị thương đi vào sáng hôm sau nếu thời tiết khá hơn.
Hôm sau, những người bị thương được đưa tới địa điểm mới. Khi chiếc máy bay đầu tiên tới chở thương binh bay lượn trên đầu, tôi trông thấy cảnh tượng trung sĩ giơ hai tay lên trời, lính quân y dìu đồng đội và một người nằm lại trên cỏ. Tôi nghĩ mình đã có tất cả trong một bức ảnh. Tim tôi loạn nhịp. Để tốc độ cửa chập 1/60 đã đủ nhanh chưa nhỉ? Thôi mặc kệ. Tôi bấm máy.
Tôi đã cho hết thức ăn nên chẳng có gì vào bụng suốt hai ngày. Tôi bọc máy ảnh vào một chiếc khăn ẩm và đặt trong ba lô. Tôi canh chiếc ba lô ấy như gà mái canh con và sau đó lên chiếc máy bay thứ hai chở đầy túi đựng thi thể.
- Ông bị thương khoảng một tuần sau đó trong một trận đánh khiến phóng viên ảnh Charles Eggleston phải bỏ mạng. Sau khi hồi phục, ông vẫn tiếp tục tác nghiệp tại Việt Nam chứ?
Ngày 5/5/1968 khi đang làm nhiệm vụ cho tạp chí Life, tôi bị bắn vào mặt. Tôi ngồi trên ghế nha sĩ còn bác sĩ quân y lấy viên đạn từ trong hốc xoang bằng cách làm vỡ xương gò má từ phía trong miệng tôi.
Sau đó, chứng kiết lỵ gần như giết chết tôi. Tôi bị sốt cao tới mức phải chườm đá. Cái lạnh khiến cơn đau trên mặt tôi càng trở nên tồi tệ nhưng tôi vẫn cố nín nhịn. Tôi nằm cùng phòng với hai lính Mỹ bị cụt chân tay và bị băng bó từ đầu tới chân.
Life trả hóa đơn viện phí cho tôi sau khi ra viện và mua vé máy bay cho tôi về nước. Nhân viên văn phòng hãng CBS bảo tôi cách hối lộ để có thị thực xuất cảnh. Tôi là người nước ngoài bất hợp pháp suốt thời gian sau khi visa du lịch của tôi hết hạn. Tôi tê liệt vì căng thẳng tâm lý quá độ. Tất cả những gì tôi muốn là hút thuốc phiện hoặc uống say.
- Ông làm gì sau khi rời Việt Nam? Ông vẫn chụp ảnh chứ?
John Morris, biên tập viên ảnh của tờ New York Times, là người biết rõ các phóng viên ảnh chiến trường bị chấn thương tâm lý. Anh ấy đã thuê tôi làm trong suốt mùa hè năm 1968. Mùa thu năm đó, tôi được nhận làm nhân viên của tờ báo này và gắn bó với nơi đây từ năm 1969 đến năm 1971. Tôi có cơ hội thử sức ở lĩnh vực sản xuất phim tài liệu tại New York trước khi có bằng cử nhân của Đại học Fordham.
Tôi cũng khéo léo vượt qua chương trình đào tạo của phố Wall. Tôi kiếm những đồng tiền trong sạch ở đây trong 25 năm làm nhà quản lý danh mục đầu tư cho nhiều nhân hàng tư nhân cao cấp. Năm 2007 tôi về hưu.
Tại cuộc hội ngộ các nhà báo từng tác nghiệp ở Việt Nam cách đây vài năm, Horst Fass nói với nhóm chúng tôi rằng "Greenspon đã đi đúng hướng. Cậu ấy chụp được bức ảnh nổi tiếng, rồi trở thành một doanh nhân đích thực và sống hạnh phúc từ đó". Điều này không dễ.
- Hiện ông là một nhân viên xã hội ủng hộ tích cực việc chăm sóc sức khỏe tinh thần tốt hơn cho các cựu binh. Tại sao ông lại quyết định gắn bó cùng các cựu binh?
Tôi nhận bằng thạc sĩ ngành công tác xã hội năm 2011 ở tuổi 69. Cá nhân tôi hiểu việc vượt qua được PTSD, chấn thương và nghiện ngập khó khăn như thế nào. Trong những năm cuối đời, tôi nguyện giúp họ vượt qua nỗi khiếp sợ của chiến tranh.
Sau nhiều năm suy nghĩ khái niệm về một bức ảnh, tôi rút ra kết luận. Với tôi, đó là khoảnh khắc được thực hiện cùng với chiếc máy ảnh Brownie Hawkeye. Suốt nhiều thập kỷ qua, tôi đã cố gắng gạt bỏ hiểu biết của mình về nhiếp ảnh, để lấy lại được sự tự nhiên và đơn giản tôi từng có trong những bức ảnh trước đây. Tôi sẽ nhận ra khi trông thấy sự tự nhiên và đơn giản đó nhưng cho đến nay, điều đó luôn né tránh tôi.
Bình Minh (theo Time)