Những điều tưởng chừng đơn giản nhưng lại là mong ước lớn lao của thầy cô đang công tác ở các huyện, xã đảo trên cả nước.
Mong các em không phải "ăn kẹo trong mơ"
Công tác tại trường tiểu học Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) hơn 3 năm, ngày 20/11 trong lòng thầy Lê Xuân Quyết chỉ có hình ảnh học sinh đang ngồi viết bài. Thầy chia sẻ, 20/11 trên đảo cũng trôi qua như những ngày bình thường. Không có hoa, quà, thiệp hay những buổi tọa đàm như trên đất liền, nhưng những mẩu giấy trắng ghi dòng chữ "Chúc mừng thầy nhân ngày 20/11" cũng đủ làm ấm lòng những thầy cô trên đảo.
Thầy Quyết cho biết, học sinh trên đảo thiếu thốn đủ thứ. Có những khi thức ăn tươi sống không có, các em phải ăn đồ hộp nhiều ngày liền. Bánh kẹo là thứ đồ xa xỉ. Có học sinh đói quá, được ổ bánh mì mốc do phải vận chuyển mất nhiều ngày từ đất liền ra, vội cầm và ngấu nghiến ăn. Nhìn các em như vậy, thầy Quyết chỉ ước có thật nhiều đồ ăn, bánh kẹo để các em không phải "ăn kẹo trong mơ".
Ước trường có một mái hiên
8 năm công tác tại trường mầm non - tiểu học Hoa Phong Ba, huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), món quà ngày 20/11 năm nào cô Hiếu cũng nhận được là chùm hoa phong ba và câu chúc bi bô của trẻ mẫu giáo. Năm đầu ra đảo, khi nhận được món quà này, cô và đồng nghiệp rất bất ngờ.
"Cả ngày 20/11 trôi đi, đến tối về nhà tập thể của giáo viên thì thấy các em cầm hoa phong ba đứng trước cửa. Nhìn các em khi đó, bao khó khăn, nỗi nhớ nhà những ngày mới đến đảo tan biến hết", cô Hiếu chia sẻ.
Khi được hỏi về điều ước nhân ngày 20/11, cô Hiếu liên tục nhắc hai từ "mái hiên". Trường Hoa Phong Ba được xây dựng khang trang và lắp đặt nhiều đồ chơi cho trẻ ở sân trường. Tuy nhiên, cứ mỗi khi bão hay gió lớn, khu vui chơi lại bị hư hỏng nặng.
Đến nay, đồ chơi đã ít đi, các em chỉ còn được chơi với những đồ thủ công do thầy cô tự làm. Cô Hiếu mong muốn, các ban ngành đoàn thể quan tâm và ủng hộ để trường có kinh phí làm một mái hiên che chắn cho khu vui chơi.
Mong trường có một giáo viên tiếng Anh
Cô Phạm Thị Hà hiện là phó hiệu trưởng trường mầm non - tiểu học Bạch Long Vỹ (Hải Phòng). Công tác tại đảo gần 24 năm, cô Hà đã trải qua thời điểm khó khăn nhất khi trên đảo chỉ có cát và xương rồng. Mấy năm gần đây, trường Bạch Long Vỹ đã có những buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam giống như trong đất liền.
Cô Hà chia sẻ cả trường hiện chỉ có 47 học sinh và 9 giáo viên, mỗi thầy cô đều phải đảm nhiệm 2 lớp. Thậm chí, cả khối 2 chỉ có một học sinh nhưng thầy cô vẫn phải lên lớp như bình thường. Nhìn lớp học chỉ có một thầy, một trò, nhiều khi cô không cầm được nước mắt.
Nhưng đó không phải điều khiến cô Hà trăn trở nhất. Tình trạng học sinh lên cấp THCS phải vào đất liền học nhưng nhanh chóng bỏ mới khiến cô lo ngại. Cô Hà cho biết, học sinh ở đảo ít được cọ xát, đặc biệt không được học tiếng Anh nên khi vào đất liền các em tủi thân vì thua kém bạn bè. Cô Hà mong các ban ngành điều động một giáo viên tiếng Anh đến dạy ở trường để các em không thiệt thòi.
Mong học sinh Thổ Châu được đi thi học sinh giỏi
Đó là mong ước lớn nhất của thầy Lương Quốc Hùng trong suốt 14 năm công tác tại trường tiểu học - THCS Thổ Châu, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Năm nào giáo viên trong trường cũng bồi dưỡng thêm cho những em có năng khiếu nhưng chưa bao giờ các em có cơ hội đi thi học sinh giỏi cùng bạn trên đất liền.
Là tổ trưởng chuyên môn, giáo viên dạy giỏi môn Ngữ văn của trường, thầy Hùng cũng chưa từng được dự thi giáo viên giỏi tỉnh. Nhưng thầy không đặt nặng vấn đề đó. "Tôi chỉ có hai điều ước. Một là học sinh của tôi được thi học sinh giỏi để cọ xát với các bạn trên đất liền và để làm động lực thúc đẩy việc học tập của hơn 300 học sinh trong trường. Hai là tôi có sức khỏe thật tốt để gắn bó suốt đời với học sinh trên đảo", thầy Hùng thẳng thắn nói.
Ước các em được chơi nhiều hơn
Cô Nguyễn Thị Phương Tâm sinh năm 1986 đã có 7 năm dạy học tại trường tiểu học Hòa Minh A, huyện Châu Thành (Trà Vinh). Cô chia sẻ học sinh của trường rất ngoan và ham học. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều em vừa học, vừa phải đi làm phụ giúp cha mẹ khiến cho việc học và vui chơi bị hạn chế. Chỉ khi đến trường, các em mới có thể thoải mái chơi đùa cùng bạn bè.
Tuy nhiên, trường Hòa Minh A không có không gian vui chơi và các mô hình đồ chơi phục vụ nhu cầu của các em. Thiếu đồ chơi, các em hay nghịch cỏ dại, đất cát làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Cô Tâm hy vọng, trường được hỗ trợ xây dựng khu vui chơi để học sinh được chơi thoải mái sau những giờ học.
Mong y tế trên đảo được đầu tư nhiều hơn
Giảng dạy ở trường THCS - THPT Võ Thị Sáu, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) gần 12 năm, gắn bó với nhiều thế hệ học sinh, thầy Phan Bá Hường hy vọng nhiều học trò sẽ trở thành giáo viên công tác tại đảo, góp phần làm huyện đảo giàu mạnh hơn. Đến nay, một học sinh của thầy Hường đã học xong đại học về công tác tại trường mầm non Võ Thị Sáu.
Thầy Hường chia sẻ, vấn đề y tế ở trên đảo rất khó khăn nên nhiều khi thầy giáo thể dục như thầy lại kiêm luôn chức danh bác sĩ. Dù đã được học về sơ cứu, y học thể dục thể thao nhưng thầy Hường không thể tự xử lý những chấn thương nặng. Vì vậy, nếu có một điều ước trong ngày 20/11, thầy Hường mong cơ sở y tế của đảo được trang bị nhiều thiết bị hiện đại hơn và đội ngũ y bác sĩ đông hơn để đảm bảo sức khỏe cho học sinh và toàn thể bà con trên đảo.
Thanh Tâm