Tối 12/11, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức chương trình Chia sẻ cùng thầy cô, vinh danh 42 giáo viên ở các huyện, xã đảo trên cả nước. 25 cô và 17 thầy từ nhiều vùng đảo xa xôi như Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Trường Sa (Khánh Hòa) mang đến những câu chuyện khắc họa cuộc sống của hàng nghìn thầy cô đang dạy học nơi đầu sóng gió.
"Chúng tôi học đánh cá, đào ngao, học đi ngủ sớm lúc xã đảo không có điện. Giờ ra chơi, cô trò ngồi tết tóc, cắt móng tay, móng chân cho nhau... Ngày 20/11, dịp Tết, quà của các em là bó hoa dại, mớ cá khô nhưng đủ khiến chúng tôi khóc vì tình cảm ấy quý hơn nhiều thứ vật chất trên đời", cô Phạm Thị Nhung, giáo viên Trường Tiểu học 2 Khánh Bình Tây (Trần Văn Thời, Cà Mau) có 20 năm dạy học trên đảo chia sẻ.
Từ đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa), thầy giáo Lê Xuân Quyết (quê huyện Vạn Ninh) lần đầu được về thủ đô, mang theo câu chuyện của 9X xung phong ra Trường Sa dạy học. Quyết lớn lên trong gia đình nghèo, chứng kiến các bạn chung hoàn cảnh nghỉ học gần hết nên luôn mong muốn sau này sẽ làm thầy giáo để giúp những đứa trẻ khó khăn như anh.
Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, anh về công tác tại tiểu học Vạn Thọ 2. Năm 2012, anh tình nguyện viết đơn ra đảo dạy học khi hay tin Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa tuyển giáo viên ra Trường Sa. Anh không nhớ rõ mình đến Sở bao nhiêu lần để hỏi khi nào có đợt tuyển giáo viên ra Trường Sa. May mắn được chọn, Quyết đã khóc khi nhận được quyết định ra đảo dù khi đó chưa biết hoàn cảnh cụ thể sẽ ra sao.
Lần đầu tiên đi tàu, thầy giáo trẻ bị say sóng, vật vờ "không biết trời đất là gì". Đặt chân lên đảo, thấy ngôi trường còn thô sơ, thầy giáo 9X càng thêm thương các trò và quyết tâm ở lại. Vậy mà, thầy giáo trẻ đã gắn bó với ngôi trường và lũ trẻ trên đảo trọn 4 năm. "Tôi hy vọng sẽ có nhiều thế hệ thanh niên, giáo viên tiếp nối chúng tôi đến với Trường Sa", anh nói.
Đêm tri ân, thầy Đoàn Văn Kiều, giáo viên trường PTCS Sơn Hải (Kiên Lương, Kiên Giang) bất ngờ được gặp cha mẹ ngay trên sân khấu của chương trình. 17 năm cắm đảo dạy học xa nhà, thi thoảng thầy giáo 37 tuổi mới được về thăm bố mẹ già gần 70 tuổi ở Thái Bình. "Nhiều lúc rất nhớ nhà nhưng mình chỉ có thể gọi điện thôi. Bố mẹ đau ốm nhưng sợ con lo lắng nên giấu, mình thường phải gọi hỏi người xung quanh để biết sự thật", thầy chia sẻ.
Chúc mừng các thầy cô ngày 20/11, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai chia sẻ, trong quá trình công tác, bà có dịp đến những vùng biên giới, hải đảo và chứng kiến sự khó nhọc, gian truân của giáo viên nơi đây, cũng cảm nhận sâu sắc sự kiên trì, bền bỉ, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của những người đi gieo chữ.
Bà khẳng định, Nhà nước, xã hội và nhân dân luôn ghi nhận và đánh giá cao, đặc biệt là các thầy cô giáo công tác tại vùng xa, biên giới hải đảo, những nơi khó khăn đòi hỏi sự hy sinh, tấm lòng và khả năng vượt qua khó khăn của thời tiết, giao thông hiểm trở. "Những tấm gương của thầy Quyết, cô Hợi là hình ảnh sống động về tấm lòng, mang lại cho xã hội niềm tin về những điều tốt đẹp", bà nói và kêu gọi các tổ chức, cấp ngành tiếp tục dành nguồn lực để hỗ trợ thầy trò vùng sâu, biên giới, hải đảo.
"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình do Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Phi Long và TS Võ Văn Thành Nghĩa, Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Long khởi xướng với mong muốn tri ân, động viên thầy cô giáo đang công tác tại vùng khó khăn trên cả nước. Năm 2016, chương trình tuyên dương 42 giáo viên đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo. Người nhiều tuổi nhất là cô Phan Hồng An (54 tuổi), giáo viên trường THCS Phước Thể (Tuy Phong, Bình Định), trẻ nhất là cô Quảng Thị Thúy Ngân (24 tuổi), giáo viên trường Mầm non Thạnh An (Cần Giờ, TP HCM).
Hoàng Phương