Gần 400 ngày trôi qua từ khi con trai tôi chào đời. 400 ngày tôi sống cùng con trong phòng chăm sóc trẻ sinh non NICU. 400 ngày, cuộc sống của vợ chồng tôi như đi trên dây. Việc duy nhất chúng tôi phải làm là giữ thăng bằng cho chính mình, chỉ để bước tiếp ở nơi đất khách này...
Lần đầu tiên trong đời, chúng tôi thấy mình mong manh và nhỏ bé. Sau 6 năm đại học xa nhà, thêm 6 năm du học và làm việc xa quê hương, chúng tôi tưởng mình quá trưởng thành và quá cứng cỏi. Nhưng suốt 400 ngày qua, tôi luôn bị ám ảnh bởi sự cô đơn và lạc lõng trong giấc ngủ mỗi đêm. Ngơ ngác nhìn quanh, tôi chẳng có ai cả, trừ chồng mình. Nhưng không phải vì gia đình tôi neo người.
Nhà tôi có tới 6 anh chị em. Con số 6 tròn trĩnh ai nhìn vào cũng phải ngưỡng mộ ba má tôi. Ngày bé, trưa nào ba tôi cũng cầm sẵn cái roi để đầu giường trước khi ngủ trưa, vì thể nào mấy anh em tụi tôi cũng cười giỡn rần rật làm ông mất giấc. Ngày nào cũng vậy, ông anh kế, tôi và thằng em út lập thành một đội bóng, hay một câu lạc bộ cầu lông, một hội cờ vua, một hội nặn tượng lén lút sau chuồng gà...
Chúng tôi có quá nhiều trò chơi, quá nhiều tiếng cười, quá nhiều kỷ niệm. Ba má tôi khéo chọn một cái nghề khá vất vả để tất cả anh em chúng tôi được "lao động chân chính" từ tấm bé. 8 tuổi, tôi học lớp 3, sau giờ đến trường tôi chịu trách nhiệm nhóm bếp củi nấu cơm mỗi ngày, lau dọn nhà cửa, thái rau cho đàn lợn gần 10 con. Việc của tôi chỉ có vậy. Má tôi, như một bà giám đốc kiêm thợ chính kiêm bán hàng chính. Bà làm việc quần quật một ngày hơn 15 tiếng mà vẫn có sức kể chuyện đời buồn vui cho chúng tôi nghe mỗi ngày.
Anh hai, anh lớn nhất, có vẻ anh biết chọn thời điểm chào đời nhất, để kịp lớn lên và vô Sài Gòn học đại học khi gia đình tôi bắt đầu cái nghề vất vả ấy. Tất cả lũ em lem luốt chúng tôi, lúc nào cũng nghĩ về anh như một ngọn đuốt thắp sáng cả tương lai gia đình. Tôi nhớ mình đã vui thế nào khi anh nhờ bạn gửi về nhà vài ký chôm chôm Sài Gòn. Tôi nhớ mình đã hạnh phúc thế nào khi anh về thăm nhà mỗi dịp hè và nằm xem phim với chúng tôi mỗi tối. Tôi nhớ mình đã can đảm hơn rất nhiều khi anh hỏi thăm và sát trùng vết thương sâu hoắm ở chân cho tôi. Tôi bị nhiều vết thương lắm, nhưng đến giờ nhìn vào cái sẹo ở chân, tôi vẫn nghĩ về anh hai.
Rồi tới chị ba. Trong mắt tôi ngày đó, chị đẹp nhất, thông minh nhất, giỏi giang nhất. Chỉ có điều chị xui xẻo nhất vì ra đời muộn hơn anh hai vài năm, nên phải nghỉ học để phụ ba má buôn bán, để mấy đứa em không đứa nào phải bỏ học như chị nữa. Ngày chị bỏ học, cả lớp và cô chủ nhiệm tới nhà thăm, nói chị là lớp trưởng mà sao lại bỏ lớp. Nhưng chị ba chẳng màng gì cả, chị luôn nghĩ cho gia đình, cho đến bây giờ vẫn vậy. Tôi nhớ day dứt những đêm phố núi trong trẻo, ăn cơm xong mấy đứa em út tụi tôi nằm vắt vẻo ngoài hè, vừa ngắm sao vừa nghe chị kể chuyện ma, kiếm hiệp, tiểu thuyết.
Thời gian trôi. Hết anh rồi tới chị lập gia đình. Sau mỗi cái đám cưới thì đứa nhỏ lập tức nhảy vào làm công việc của đứa lớn vừa đi. Tất cả cứ vô trật tự như vậy. Cho đến một ngày, má tôi không còn sức làm "giám đốc" nữa. Cả tuổi trẻ lao động điên cuồng không bao giờ ngơi nghỉ khiến bà chỉ còn là một cái xác ve ốm yếu. 10 năm cả nhà lớn bé lao động điên cuồng với nghề cũng làm kinh tế gia đình tôi thay đổi chút ít. Ba má tôi bắt đầu về hưu. Tôi 18 tuổi - bắt đầu mơ đến những ngày tự do và tự lập. Tôi mơ được bay cao và bay xa…
Hơn 10 năm sau, tôi chợt nhận ra cuộc đời mình là những chuyến đi không có bến về. Tôi nhận ra mình đã cách quá xa gia đình. Những người anh người chị tôi yêu quý dần đẩy tôi qua bên lề cuộc đời họ - chỉ vì tôi ở quá xa. Tôi nhận ra địa vị và tiền bạc khó bù đắp được nỗi tủi thân và sự trơ trọi nơi đất khách, khi đau ốm bệnh tật, khi lễ Tết sum vầy. Tôi nhận ra mình cần gia đình nhiều như thế nào trong những tháng ngày bi quan nhất. Con người ta chỉ nhận ra điều gì thật sự ý nghĩa trong cuộc đời khi phải đối mặt với khó khăn và mất mát.
Tôi đang trải qua 400 ngày khó khăn và mất mát ấy. Không biết bao nhiêu lần tôi vùi mặt khóc vì mỏi mệt, vì nhận ra mình không có nhiều lựa chọn giữa việc ở lại đất khách hay về quê hương. Không phải là lựa chọn đúng hay sai, khôn hay dại, chỉ đơn giản là cái duyên và nợ của con người với mảnh đất mà thôi. Tôi chỉ biết hy vọng, rằng cuối con đường mình đi là một ngã rẽ để được về nhà mà không phải đánh đổi quá nhiều thứ…
Tô Thị Mỹ Nữ