Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Thae-song hôm 3/12 cho rằng trách nhiệm với các cuộc đàm phán hạt nhân hiện phụ thuộc vào Mỹ, đồng thời cảnh báo cách Washington hành xử sẽ quyết định "món quà Giáng sinh" mà họ nhận được vào hạn chót cuối năm. Tuyên bố được đưa ra sau khi Triều Tiên tiến hành hai cuộc thử nghiệm bí mật cách nhau một tuần tại bãi phóng vệ tinh Sohae.
"Triều Tiên lại sử dụng những lời đe dọa đầy ẩn ý, khiến các quan chức trên toàn thế giới phải vội vàng tìm cách giải mã. 'Món quà Giáng sinh' cho Mỹ, hạn chót vào cuối năm nay và một con đường mới đã được chính quyền nước này úp mở suốt 12 tháng qua", nhà phân tích Paula Hancocks của CNN nhận xét.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp nhau ba lần trong hai năm qua với hy vọng đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa. Bình Nhưỡng được kỳ vọng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, đổi lại Washington sẽ gỡ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ song phương.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Bình Nhưỡng đang mất kiên nhẫn với các nhà đàm phán của Washington. "Điều đáng lo ngại là mọi động thái sắp tới của họ sẽ nhằm thu hút sự chú ý của Tổng thống Trump", Hancocks nói thêm.
Phần lớn chuyên gia được hỏi tin rằng Triều Tiên sẽ phóng tên lửa đẩy đưa vệ tinh lên quỹ đạo vào đêm Giáng sinh.
Bình Nhưỡng tuyên bố chương trình không gian của họ chỉ phục vụ khoa học và nhằm mục đích hòa bình. Kim Jong-un thường khẳng định mong muốn xây dựng "quốc gia hùng mạnh và thịnh vượng" nhờ nền kinh tế tự cường với nền tảng khoa học công nghệ. Triều Tiên đã phóng thành công hai vệ tinh lên quỹ đạo kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền năm 2011.
Tên lửa đẩy mang vệ tinh cũng dùng công nghệ tương tự ICBM mang đầu đạn hạt nhân. Một cuộc phóng vệ tinh sẽ tiết lộ nhiều thông tin quan trọng về chương trình tên lửa đạn đạo hiện đại của Triều Tiên, nhất là khi truyền thông nước này khẳng định cuộc thử nghiệm tại Sohae gần đây sẽ "giúp tăng cường khả năng răn đe hạt nhân quốc gia".
"Họ chưa phô diễn được năng lực phóng tải trọng lớn lên quỹ đạo và đưa nó trở về khí quyển an toàn, một trong những yêu cầu quan trọng nhất với ICBM mang đầu đạn hạt nhân. Cộng đồng quốc tế không nên quá bất ngờ nếu vụ thử vệ tinh thể hiện khả năng phóng tải trọng lớn về phía bắc Thái Bình Dương", Evans Revere, cựu chuyên gia Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nêu quan điểm.
"Thông điệp sẽ là Triều Tiên đủ khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ bằng vũ khí hạt nhân", chuyên gia Mỹ nói thêm.
Bình Nhưỡng từng có hành động tương tự sau khi đạt thỏa thuận với Washington cuối tháng 2/2012, trong đó Triều Tiên khi đó đồng ý ngừng thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân, đồng thời đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon để đổi lấy viện trợ hàng trăm tấn lương thực.
Thỏa thuận sụp đổ khi Bình Nhưỡng phóng vệ tinh chỉ vài tuần sau đó. Mỹ cho rằng tên lửa đẩy mang vệ tinh có thể tính là tên lửa tầm xa, trong khi Triều Tiên bác bỏ. Bất đồng này nhiều khả năng vẫn tồn tại cho tới nay.
Adam Mount, chuyên gia tại Hiệp hội Nhà khoa học Mỹ, cho rằng Washington đáng lẽ phải hối thúc Bình Nhưỡng định nghĩa chính xác về các vụ thử tên lửa để tạo dựng nền tảng đàm phán.
"Triều Tiên đã gia tăng áp lực để buộc Mỹ nhượng bộ trong các cuộc đàm phán suốt năm qua. Chính quyền Trump dường như đã mơ ngủ trong quá trình này và gần đây mới thức tỉnh khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng tiềm tàng", Mount nói thêm.
"Món quà Giáng sinh" lớn hơn mà Triều Tiên có thể dành cho Mỹ là một vụ thử ICBM hoặc vũ khí hạt nhân. Đây được đánh giá sẽ là động thái gây hấn vượt xa phóng vệ tinh và chắc chắn thu hút sự chú ý đáng kể từ Trump.
Bình Nhưỡng mô tả lần phóng ICBM đầu tiên vào ngày 4/7/2017 là "món quà" cho Washington nhân dịp quốc khánh Mỹ. Triều Tiên sau đó còn phóng thêm hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với tầm bắn 10.000-13.000 km, cùng vụ thử hạt nhân lớn chưa từng có.
Sohae là nơi phát triển tên lửa đẩy mang vệ tinh và động cơ cho ICBM. Bình Nhưỡng từng thử thành công động cơ với sức đẩy lớn tại đây hồi tháng 3/2017, trước khi chúng được sử dụng trên tên lửa Hwasong-14 và Hwasong-15, giúp Triều Tiên sở hữu khả năng tấn công mọi mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ.
"Nó nhằm cảnh báo Mỹ rằng Triều Tiên vẫn có khả năng theo đuổi chương trình vũ khí tầm xa. Chúng ta có thể thấy cơ sở Sohae đang phục vụ mục đích quân sự khi Học viện Khoa học Quốc phòng đăng thông cáo về các vụ thử, thay vì Cơ quan Hàng không Vũ trụ Triều Tiên", Ankit Panda, chuyên gia thuộc Hiệp hội Nhà khoa học Mỹ, nhận xét.
"Kim Jong-un luôn đẩy mạnh hành động khiêu khích khi thế giới ngừng chú ý tới Triều Tiên. Các vụ thử nghiệm và gây hấn không phải con đường nên chọn nếu Triều Tiên muốn gỡ bỏ cấm vận", thượng nghị sĩ Ami Bera, chủ tịch Tiểu ban châu Á, Thái Bình Dương và Không phổ biến vũ khí thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, nhận xét.
Triều Tiên không tiến hành vụ thử hạt nhân hay ICBM nào trong hai năm qua, nước này cũng phá hủy bãi thử Punggye-ri hồi năm ngoái. Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo Bình Nhưỡng vẫn có thể duy trì năng lực răn đe nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, cũng như buộc Washington nhượng bộ trong đàm phán.
"Chúng ta cần nhớ rằng họ luôn vượt quá mọi dự đoán về năng lực và sẵn lòng làm mọi thứ cần thiết để tăng cường sức mạnh hạt nhân, bất chấp mọi cái giá phải trả về mặt ngoại giao. Đừng bao giờ đánh giá thấp Triều Tiên", Revere nói.
Vũ Anh (Theo CNN)