Ba mất lúc tôi 6 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1. Đó là biến cố đầu đời đưa tôi vào sự tự lập và trưởng thành nhanh chóng. Từ một đứa bé được nuông chiều, suốt ngày chỉ biết đòi kẹo, tôi trở nên cứng cỏi và bản lĩnh từ lúc nào không biết.
Sau cái chết của ba, cả nhà gần như kiệt sức, bởi cú sốc đau thương quá lớn, thêm nữa gia đình mất đi trụ cột chính, những mất mát hụt hẫng không kể sao cho hết. Chôn cất ba xong, cả nhà mệt mỏi rã rời, phần vì khóc thương, phần vì lo lắng ma chay.
Đêm đó mọi người ngủ say như chết, chỉ mình tôi vì nhức răng nên không ngủ được, lúc đầu tôi khóc ít, sau thì khóc to hơn nhưng mọi người chẳng ai nghe. Lần đầu tiên thấm thía nỗi đau mất cha, tôi khóc rống lên, mọi người choàng tỉnh dậy. Má thấy tôi nước mắt ràn rụa bèn hỏi: “Con bị làm sao, đau ở đâu?”. Tôi mếu máo nói: “Má ơi, con nhức răng. Phải chi bây giờ có ba, ba lấy bông gòn nhúng dầu gió nhét vô răng cho con rồi (mỗi khi tôi bị nhức răng ba tôi đều làm vậy), hổng có ai thương con bằng ba”.
Câu nói đó cộng với nỗi đau mất chồng, mất cha làm cả nhà khóc nức lên, má ôm tôi vào lòng, đau đớn vì đứa con út sớm thiệt thòi. Câu nói đó cũng theo má những năm sau đó, tiếp cho bà nhiều sức lực để vật lộn mưu sinh nuôi anh em tôi ăn học nên người, không để chúng tôi phải thiếu thốn, thất học. Má làm thay phần của ba, vừa là mẹ, vừa là cha.
Người chết cũng đã chết rồi, người sống phải sống tiếp. Sau những mất mát, cả nhà quây quần bàn cách mưu sinh. Má tập tành buôn bán vải khúc ngoài chợ trời. Những năm sau giải phóng, buôn bán chợ trời, còn gọi là chợ đen, bị rượt bắt dữ lắm. Mỗi khi bị đuổi, má đưa giỏ đệm vải cho anh năm kiếm chỗ lủi trốn, bởi nếu bị bắt sẽ bị tịch thu hết, kể như sạch vốn. Vậy mà cũng đã hai lần má bị tịch thu, lần đó vừa buồn vừa giận, má vét hết những đồng tiền bán được bữa sáng mua bánh và thịt heo cho chúng tôi ăn hết. Rồi má ôm mấy con vừa khóc vừa nói: “Để tụi con nhịn ăn nhịn thèm, mình hổng dám ăn, vậy mà giờ mất sạch. Hết vốn rồi con ơi”.
Những tháng ngày sau sau đó quả là nặng nề, rồi má cũng gượng dậy được, gom góp vay mượn của mọi người tiếp tục chạy chợ mua bán. Lạ một điều là dù sống trong môi trường phức tạp chợ búa, nhưng chưa bao giờ tụi tui chửi thề, nói bậy, ngược lại rất ngoan ngoãn, lễ phép. Có lẽ vì má luôn đem lời ba ra răn dạy chúng tôi “giấy rách phải giữ lấy lề”, “nghèo cho sạch rách cho thơm”, kiên quyết bắt anh em tôi đi học đàng hoàng, chỉ giúp má một buổi. Nhờ vậy, tôi được các bác ở Ban Tuyên huấn rất thương, thường cho báo Liên Xô để bao tập.
Ý thức được hoàn cảnh gia đình, ngay từ năm lớp 2 tôi đã tự cắt nhãn, bao tập, mót từng tờ giấy nháp, biết đi xin những tờ giấy kiếng bỏ đi của những đứa con nhà giàu về dán lồng đèn ngôi sao chơi dịp Trung thu, đỡ tốn tiền má.
Ngày đầu tiên tôi đi học cũng là ngày đầu tiên anh Tư đi làm. Anh chở tôi đi sớm vì còn phải đi làm. Ngồi thu lu trước cổng trường tiểu học Tự Do, tôi nhớ ba muốn khóc. Nhưng kể từ hôm đó, tôi biết mình sẽ không bao giờ khóc trước nghịch cảnh của cuộc đời, vì có khóc cũng không còn ba để dỗ dành. Tan trường đợi mãi không thấy anh đến đón như đã hứa, tôi lủi thủi đi về một mình.
Từ trường về nhà khá xa, qua mấy cái ngã tư xe cộ đông đúc. Tôi chưa nhớ hết đường nên cứ đi một đoạn lại hỏi đường về Cầu Quay (nhà tôi ở gần cây cầu sắt có thể quay khi tàu bè qua lại, nên mọi người hay gọi là Cầu Quay), rồi cũng về đến nhà. Chị ba thấy tôi về một mình mặt mũi đỏ ké, mồ hôi mồ kê đầy mặt sợ hết hồn. Anh tư đến trễ không gặp tôi chạy dáo dát tìm, về nhà gặp tôi mừng quýnh, vừa thương em vừa tủi phận mình, anh ôm tôi khóc tấm tức.
Kể từ hôm đó, tôi quyết sẽ tự đi học không cần anh chị đưa rước. Bởi tôi biết sau cái chết của ba, má và anh chị tôi ai cũng quáng quàng cho cuộc mưu sinh, nên tôi không muốn làm bận chân mọi người.
Ngẫm lại, cuộc sống đã dạy cho tôi nhiều điều quý giá: biết vượt qua nghịch cảnh, suy nghĩ chín chắn và sống có trách nhiệm với gia đình. Âu đó cũng là món quà mà số phận đã bù đắp cho tôi, vì những thiệt thòi khi thiếu vắng tình cha.
Nguyễn Thị Hạnh