Nhận bưu phẩm của mẹ vào một chiều cuối năm. Món quà mẹ gửi, giúp tôi vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ quê khi khoảnh khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới đã gần kề.
Đó chẳng phải món quà xa xỉ của người nhà giàu, càng không phải thức quà mẹ mua vội mua sẵn ngoài cửa hàng hay tiệm tạp hoá. Đó là thứ quà quê dân dã, thứ quà có thương hiệu "mẹ tôi". Vài ba đòn bánh chưng, vài ba khúc bánh trà lam, kẹo lạc và một ít măng khô... Bấy nhiêu đó thôi, nhưng là tất cả tình yêu mẹ dành cho đứa con xa xứ.
Cầm bưu phẩm trên tay mà nước mắt chỉ chực trào ra, sống mũi cay cay tự lúc nào không biết. Tôi thèm được ôm mẹ rồi khóc nức nở hồn nhiên như một đứa trẻ cho thoả lòng mong nhớ. Kí ức Tết tuổi thơ lại hiện về y nguyên như mới ngày hôm qua.
Ngày ấy, nhà tôi nghèo lắm. Cái nghèo cứ dai dẳng đeo bám trên đôi vai gầy của mẹ, trên bàn tay bàn chân chai sạn, nứt toác của ba. Ba mẹ tôi quanh năm lam lũ, ba mẹ dường như chẳng bao giờ có khái niệm nghỉ ngơi hay hưởng thụ.
Tết đến là lúc đàn con nhỏ nô nức, háo hức đếm từng ngày để mặc áo mới, để ăn thoả thích bánh mứt mà chỉ ngày Tết mới có, thì ba mẹ lại phải đau đầu vì hàng trăm thứ phải lo, phải tính làm sao cho các con một cái Tết đủ đầy.
Mẹ luôn biết cách thu xếp, vun vén, tận dụng những thứ có sẵn trong nhà để làm quà ngày Tết. Khoảng 27 Tết mẹ bắt đầu lựa những củ hành tươi ngon để muối, kịp đến 30, mùng 1 là vừa ngon. Nhà ở triền đồi nên lạt và lá gói bánh lúc nào cũng sẵn sàng. Việc còn lại là chọn gạo, đỗ và thịt ngon.
28 Tết, mọi công đoạn chuẩn bị đã xong, chị em chúng tôi được ba cho vài chục nghìn đi chợ Tết mua áo mới. Chúng tôi chẳng ngại ngần quốc bộ hơn mười cây số để ra đến thị trấn. Chợ quê ngày Tết ở thị trấn nghèo đông vui, nhộn nhịp. Những gian hàng ngày Tết, những chiếc váy sặc sỡ đủ màu sắc của các em bé người Mông làm chị em tôi hoa mắt, ngỡ ngàng, niềm vui cứ rối rít nhân lên bởi một năm chị em tôi mới được đi chợ một lần, mới được đến nơi đông người như thế.
Con bé vừa đói, vừa mệt mà bị chị kéo lê xềnh xệnh khắp các gian hàng. Nhìn những chiếc áo hoa hoét đủ loại, chị em tôi chỉ biết đứng nhìn thèm thuồng, và giải pháp tối ưu là mua một bộ vừa tiền ba cho.
Ngày 30 Tết ba dậy thật sớm chất củi, mẹ lo thái thịt, vo gạo, đãi đỗ. Chị em chúng tôi được giao nhiệm vụ quét nhà, quét sân, lau dọn bàn ghế... Ba bày mâm ngũ quả, và không quên ngắt một cành đào đẹp, nhiều hoa nhất để trang trí.
Nồi bánh chưng được chất lên cũng là lúc làm xong mâm cỗ cúng tổ tiên. Đã bắt đầu cảm nhận được mùi của bánh, mùi của khói hương, mùi hoa, mùi của trời đất giao hoà làm nên vị Tết đầm ấm, sum vầy. Mái tranh nghèo, đơn sơ, giản dị như vốn có bấy lâu lại đầy ắp tiếng cười, khi cả nhà ngồi quây quần bên nồi bánh chưng, cùng nhau nghe ba kể chuyện ngày xưa, nghe ba trách mắng trách yêu từng đứa một. Chỉ cần hạnh phúc bình dị thế thôi. Tết nghèo nhưng chan chứa yêu thương.
Yokohama mùa này lạnh lắm, những hạt sương đêm vừa rơi xuống đã kịp tạo thành lớp băng mỏng trên mặt đất, trên cành cây ngọn cỏ. Nó khác xa với tiết trời hây hây nồm, vị ngọt của rét lẫn trong những cơn mưa xuân lất phất. Đào, mơ chắc còn đang e ấp, chờ ngày mai nắng lên là bung nở trắng trời Tây Bắc. Văng vẳng đâu đó tiếng sáo gọi bạn tình, tiếng võ ngựa xuống núi.
Một mùa xuân mới lại về, bắt đầu một mùa yêu. Để ra Tết các em trăng tròn mười tám đôi mươi mặc áo mới về nhà chồng. Cuộc sống cứ thế mà bình lặng trôi đi...
Tôi mê mải với những kí ức Tết tuổi thơ mà quên mất mình đang ở một đất nước xa xôi vài ngàn cây số. Đêm đang dần qua, đồng hồ đã điểm 0h bắt đầu một ngày mới.
Ngày mai, chúng tôi vẫn phải đi làm, các con tôi vẫn phải đến trường. Cái Tết có lẽ chỉ gói gọn trong thứ quà mẹ gửi và một vài món ăn truyền thống do chính tay tôi vào bếp.
Ôi! Kiếp tha hương cầu thực có sung sướng chi đâu. Tôi ước, giá như mình có thể xách vali và chạy ngay về bên mẹ trong khoảnh khắc giao thừa. Để xua đi tủi hờn, để được mẹ vỗ về yêu thương, để lại được cười giòn tan khi nhận những phong bao lì xì đỏ của ba... Tôi thèm lắm một cái Tết sum vầy.
Trích nhật ký những ngày Tết xa quê.
Phan Thị Lành
Cuộc thi "Xuân Bốn phương" do VnExpress phối hợp với nhà tài trợ Lenovo tổ chức từ ngày 9/2 đến 8/3/2015. Các độc giả đang sinh sống ở nước ngoài có thể gửi bài dự thi để chia sẻ cảm xúc về mùa xuân, cảm nhận Tết Việt xa quê hương và cách đón Tết của cộng đồng ở các nước khác nhau. Bài dự thi được thể hiện dưới dạng bài viết, thơ, nhạc, ảnh, video, kèm chú thích bằng tiếng Việt có dấu. Có 4 giải tuần dành cho 4 bài dự thi nhận được lượng "Like" Facebook nhiều nhất trong từng tuần. Hai giải chung cuộc dành cho bài dự thi nhận được lượng "Like" Facebook nhiều nhất sau 4 tuần và bài dự thi xuất sắc do Ban giám khảo lựa chọn. Chi tiết thể lệ và giải thưởng. Gửi bài dự thi tại đây. |