Nhưng tôi vốn ít mặc trang phục này, cũng không có sẵn complet. Đắn đo và rồi quyết định không mua mới vì... tốn kém, tôi mạnh dạn mặc sơmi tới dự và may mắn vẫn được lên nhận giải.
Bộ Y tế trao bằng khen cho chúng tôi, tin tức được đưa trên báo chí. Nhiều bệnh nhân cũ nhận ra, viết thư, nhắn tin chúc mừng; có những bài báo gọi chúng tôi là "thiên thần áo trắng".
Tôi nhớ lại câu chuyện nhỏ này khi hay tin hàng chục nghìn đồng nghiệp chưa nhận được tiền khen thưởng chống dịch, dù Sở Y tế TP HCM đã in xong giấy khen.
Số tiền khoảng 19 tỷ đồng không hiểu vì lý do gì, vẫn đang "treo" ở đâu đó.
"Gọi Ban thi đua thì được trả lời là không có kinh phí, gọi Sở Tài chính thì được trả lời chỉ cấp cho Ban thi đua. Liên lạc lại với Ban thi đua thì nhận được trả lời chỉ cấp kinh phí cho bằng khen chứ không cấp cho giấy khen", Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng lý giải như thế trong một cuộc họp báo cuối tháng 6.
Những chia sẻ đó có thể làm tổn thương bất cứ nhân viên y tế nào đã không quản ngại nguy hiểm, xông vào tâm dịch TP HCM một năm trước.
Khi làn sóng dịch lần thứ tư bùng phát ở TP HCM, hệ thống y tế tại chỗ rơi vào khủng hoảng. Hàng chục nghìn y bác sĩ đã tình nguyện lên đường - trong điều kiện thiếu bảo hộ, khẩu trang chuyên dụng thậm chí còn không đủ - để đến nơi mà miệng mũi của họ chỉ cách virus của người bệnh chưa đầy gang tay.
Với công việc của một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, tôi đọc phim chẩn đoán từ xa cho bệnh nhân, không cần vào tâm dịch và tôi khâm phục những đồng nghiệp tuyến đầu. Họ tiếp nối phản ứng truyền thống của người Việt Nam xưa nay - khi Tổ quốc đối mặt với tai ương, mỗi người luôn cảm thấy cần phải làm một điều gì đó.
Giữa lúc đại dịch căng thẳng nhất, như một hệ quả tất yếu, hình ảnh y bác sĩ xuất hiện tràn ngập trên báo chí và mạng xã hội với nhiều mỹ từ ngợi ca. Một đại biểu Quốc hội thậm chí đề xuất dựng tượng đài vinh danh ngành y tế.
Chính phủ cũng liên tiếp ban hành các văn bản quy định chế độ bồi dưỡng và phụ cấp, như Nghị quyết số 16, Nghị quyết số 58 và Nghị quyết số 145.
Nghị quyết 58/NQ-CP quy định, chế độ phụ cấp tiêm chủng là 7.500 đồng mỗi mũi tiêm cho cán bộ y tế hỗ trợ cấp cứu tiêm chủng vaccine tại cơ sở công lập. Người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhiễm hoặc nghi nhiễm được hưởng phụ cấp cao nhất 450.000 đồng mỗi ngày.
Nhưng khi đại dịch qua giai đoạn căng thẳng nhất thì sao? Nhiều đồng nghiệp chia sẻ với tôi, họ thậm chí còn chưa nhận được các khoản phụ cấp theo Nghị quyết 58 hoặc 16, chưa nói đến những khoản mang tính khuyến khích, khen thưởng.
Trong nỗi bất lực vì chưa có thưởng cho nhân viên y tế, ông Tăng Chí Thượng cũng đề cập đến lý do khiến hàng loạt nhân viên y tế nghỉ việc thời gian qua. "Dễ thấy nhất là họ bị kiệt sức sau nhiều tháng tham gia chống dịch nhưng thu nhập quá thấp, không thể trụ được với nghề".
Năm 2021, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam công bố kết quả nghiên cứu Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong Covid-19, cho thấy lương bình quân của họ vào khoảng 7,36 triệu đồng. Trong khi chi phí sinh hoạt bình quân ở Hà Nội, TP HCM là 10-11 triệu đồng. Một so sánh biết nói.
Những con số khác cũng nói lên điều tương tự. Ví dụ, tới đây, nếu 19 tỷ đồng kia được giải ngân cho hơn 40.000 nhân viên tham gia hỗ trợ chống dịch, trung bình mỗi người nhận được 475.000 - tương đương 10 bát phở ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.
Một phép tính khác: người hưởng mức phụ cấp chống dịch cao nhất là 450.000 đồng một ngày. Nhưng trong đại dịch họ làm việc luân phiên. Một người tham gia điều trị 14 ngày, sau đó phải cách ly 14 ngày tại bệnh viện, 7 ngày tại nhà. Như vậy, họ chỉ hưởng 14 x 450.000 = 6.300.000 đồng trợ cấp mỗi tháng. Trong giai đoạn Covid-19, hầu hết bệnh viện công dành toàn lực cho bệnh nhân Covid, nên gần như không có nguồn thu với các hoạt động khám chữa bệnh và dịch vụ khác. Cán bộ nhân viên chủ yếu hưởng lương cơ bản cộng với cao nhất khoảng hơn 6 triệu đồng trợ cấp theo phép tính trên - con số không thỏa đáng với loại lao động mệt nhọc và nguy hiểm của họ.
Chứng kiến sự tán dương nhân viên y tế trong đại dịch và cách chi trả phụ cấp chậm trễ hiện nay, tôi thấy không khác gì một sự bội ước.
Năm 2014, khi nhận danh hiệu, bằng khen từ Bộ Y tế và những lời tôn vinh của bệnh nhân và xã hội, tôi thú thực cũng có chút vui. Nhưng những giây phút đó trôi qua rất nhanh. Rời khỏi lễ tuyên dương, tôi trở về bệnh viện, tiếp tục với hàng trăm lượt bệnh nhân trong ngày. Thường xuyên làm việc quá tải, tôi thậm chí không nhớ nổi gương mặt bệnh nhân khi lướt qua những tin nhắn cảm ơn của họ; trong khi đáng lẽ bác sĩ chúng tôi cần có thời gian để lắng nghe câu chuyện và tìm hiểu kỹ hơn tình trạng của từng bệnh nhân.
Điều kiện làm việc khắc nghiệt đã biến nhiều trong số chúng tôi thành những robot chữa bệnh, chỉ đủ sức quan tâm tới căn bệnh chứ không phải người bệnh.
Vì vậy, sau tất cả: niềm vui được nhận giấy khen hay cảm giác tổn thương vì bị bội ước, tôi tin phần lớn nhân viên y tế không cần được xây tượng đài, trao giấy khen hay phong tặng những danh hiệu như "thiên thần áo trắng".
Bởi "thiên thần" vẫn phải sống bằng cơm. Y bác sĩ cần được tạo đủ điều kiện để mưu cầu công việc và được chi trả xứng đáng để mưu cầu cuộc sống tử tế.
Trần Văn Phúc