Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của TP HCM, sáng 29/6, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết thành phố giao đơn vị này khen thưởng 40.000 nhân viên y tế đến giúp thành phố chống dịch. Tuy nhiên, hiện danh sách đã hoàn thành nhưng sở thiếu kinh phí thực hiện.
Theo ông Thượng, số tiền khen thưởng dự tính khoảng 19 tỷ đồng. Song khi sở kiến nghị, Sở Tài chính nói sẽ cấp cho Ban Thi đua - Khen thưởng, nhưng ban này trả lời chỉ cấp bằng khen, không cấp giấy khen và không có kinh phí.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng kiến nghị thành phố sớm bố trí ngân sách để hoàn tất việc chi cho công tác phòng chống dịch, đặc biệt là gói hỗ trợ F0 và tiền thuê nhà. Ngoài ra, hiện một số gói thầu lắp đặt các bệnh viện dã chiến còn chưa quyết toán xong nên địa phương này phải tạm ứng từ cải cách tiền lương để chi cho việc này.
Tương tự, Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh kiến nghị thành phố cấp bổ sung hơn 200 tỷ đồng để hỗ trợ gần 2.300 trường hợp mất việc theo Nghị quyết 09 của HĐND TP HCM, gần 41.000 trường hợp theo Nghị quyết 68/2021 của Chính phủ, và chi hỗ trợ tiền ăn cho các trường hợp là F0, F1.
Theo ông Thanh, các trường hợp này đã được kiểm tra, thẩm định hồ sơ và ban hành các quyết định chi trả nhưng quận 1 thiếu kinh phí do chưa được cấp. Ông đề nghị nếu chưa phân bổ cho toàn bộ các nhóm, thành phố có thể bố trí tiền sớm để chi cho F0, F1 ở địa bàn.
"Người dân nhiều thắc mắc vì sao nộp hồ sơ đầy đủ, được phê duyệt nhưng chưa nhận kinh phí. Quận cũng chỉ có thể mong người dân thông cảm", ông Thanh nói và cho biết kinh phí hỗ trợ tiền ăn cho F0, F1 chỉ 5 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng đề nghị Sở Y tế tổng hợp các kinh phí còn tồn tại của ngành để thành phố sớm xử lý.
Liên quan kinh phí chống dịch, tại buổi giám sát của HĐND thành phố giữa tháng 6, ông Nguyễn Văn Trường, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp cho biết còn nợ các doanh nghiệp 193 tỷ đồng chi phí xây dựng 56 bệnh viện dã chiến do chưa được bố trí vốn.
Đợt dịch thứ tư bùng phát tại TP HCM khiến hơn nửa triệu người bị nhiễm, trong đó hơn 20.000 ca tử vong. Thành phố đã phải giãn cách xã hội trong suốt 4 tháng với nhiều cấp độ để chống Covid-19; hàng chục nghìn nhân viên y tế khắp cả nước tình nguyện đến thành phố hỗ trợ chống dịch.
Thu Hằng