Cây cọ mọc ở nhiều tỉnh thành nhưng là hình ảnh gắn bó với người dân Phú Thọ. Huyện Cẩm Khê là nơi cọ xuất hiện nhiều nhất, trải dọc suốt mấy chục cây số bên hữu ngạn sông Thao. Ngoài ra, cọ còn mọc thành nương, thành rừng, xanh rợp miền quê Phú Khê, Đông Phú, Thanh Nga, Sơn Nga, Phùng Xá... Khoảng tháng 7, những cây cọ trong rừng bắt đầu đơm hoa, kết trái. Đến khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 quả cọ bắt đầu chín. Khi màu vỏ chuyển sang hơi nâu và đen lại, người dân hái về rửa sạch bụi đất, chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn.
Quả cọ khi chín có vị bùi, chát của miền nắng gió trung du. Sau khi rửa sạch có thể dùng để ăn sống, ỏm, làm dưa hoặc kho cá. Tuy nhiên, đơn giản và dễ ăn nhất là món ỏm cọ (người dân địa phương còn quen gọi là om cọ).
Ỏm cọ rất dễ làm, chỉ cần một nồi nước, khi sôi liu riu đem thả cọ vào, đậy vung và đun nhỏ lửa. Sau 5 đến 10 phút, đổ cọ ra rổ đến khi ráo nước là có thể ăn ngon lành. Tuy cách làm đơn giản nhưng có thể cho ra món ăn mềm, bùi, ngọt, béo ngậy và thơm hương.
Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được món cọ ỏm ngon bởi nếu không đủ khéo léo, sẽ khiến quả cọ càng thêm chát và khó ăn. Khi ỏm cọ phải chú ý thời gian cho phù hợp, lửa chỉ đủ nước sôi lăn tăn để cọ không bị tóp lại và cứng, đến nỗi không ăn được.
Người sành ăn thường nhìn qua là có thể chọn ra được những quả cọ tròn, cùi dày, có màu vàng như mật ong. Khi nhấm nháp thấy dẻo chính là quả cọ nếp. Do đó, nồi cọ sau khi ỏm sẽ có lớp váng như váng mỡ nổi và quả khi bóp sẽ thấy mềm và dẻo.
Quả cọ ngoài nấu ỏm còn có thể làm dưa. Dưa cọ có vị mặn của muối, vị ngậy béo bùi của cọ, thường ăn cùng với cơm hoặc ăn chơi đều rất ngon. Ngoài ra, cọ còn có thể dùng để kho cá giống như quả trám.
Vì mùa cọ diễn ra không lâu nên nếu may mắn du lịch đến miền đất Tổ đúng vụ, bạn sẽ được thưởng thức đặc sản lạ miệng vùng trung du miền núi phía Bắc này.
Lê Thương