Đường vào Xuân Sơn có thể đi theo hai ngả khác nhau. Một đường rẽ từ cổng rừng quốc gia, đi hơn chục km vào đến lõi rừng và một đường gần phía Thu Cúc rẽ lối vào, xuyên qua nhiều làng bản.
Đường vào bản Cỏi, bản nổi tiếng về gà chín cựa nhất tại Xuân Sơn phải đi xuyên sâu đến tận lõi rừng. Bản người Dao có khoảng 100 nóc nhà đơn sơ, lụp xụp được che chắn bởi núi cao và rừng già. Những ngôi nhà thấp, lợn gà thả đầy sân, lũ trẻ thấy khách lạ rụt rè sau ô cửa. Gà có sáu, bảy cựa thì rất nhiều, bán giá 300.000 đồng một kg. Còn gà tám cựa và chín cựa. Nhìn thấy gà chín cựa, như thấy sống trong truyền thuyết xa xưa với mâm lễ vật "voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao" đã giúp Sơn Tinh thắng cuộc mà lấy được công chúa Mỵ Nương.
Bản Lạng, nằm cách đó quãng chừng vài cây số cũng có rất nhiều gà bảy cựa được nuôi thả lang thang kiếm mồi trên khắp các cánh đồng. Gà chín cựa giá đắt hơn hẳn và nghe đồn rất khôn, có thể trông nhà thay chó. Thịt gà nhiều cựa của rừng Xuân Sơn thơm, thịt ngon đậm đà, hơn hẳn các món gà khác. Được thưởng thức một miếng thịt gà chín cựa giữa rừng núi Xuân Sơn phải mất nhiều công sức nhưng bù lại cảm giác thật tuyệt vời.
Gần bản Lạng là hang Lạng khá đẹp và sâu nằm khuất trong núi, phải đi qua cánh đồng của bà con dân tộc mới vào đến nơi. Nếu không có người dẫn đường, chắc khó lòng khách tìm thấy được đường men theo ruộng nương. Thăm hang Lạng mất chừng khoảng hơn một tiếng đồng hồ.
Rừng Xuân Sơn là quê hương của gà chín cựa, đất sống của chuối cô đơn, có cánh rừng chò chỉ đẹp nhất nhì Tây Bắc và hệ thống hang động đá vôi đầy bí ẩn. Cánh rừng cách Hà Nội 120 km này còn nhiều điều cho bạn khám phá và quay lại.
Yutaka