Ngoài các loại hàu, ốc, sá sùng, Hạ Long còn rất nhiều món ngon mà du khách nên thử khi có dịp đến đây.
Mực hấp ổi
Thành phần món này gồm mực loại ngon, nước cốt me và lá ổi. Mực phải là con sáng, ánh xanh, da trơn nhẵn. Sau khi sơ chế sạch sẽ, đầu bếp lót lá ổi dưới đáy nồi, tiếp là mực, nước cốt me và thêm lớp lá ổi khác. Thời gian hấp chỉ khoảng 10 phút, đến khi những con mực chuyển sang tím thẫm và co lại.
Sử dụng lá ổi làm nguyên liệu khiến món này có vị chát đặc trưng, lại thêm chua nhẹ từ nước me, phù hợp ăn cùng cơm hoặc chấm mắm gừng ớt. Một số địa chỉ gợi ý gồm khu du lịch Bãi Cháy, Vườn Đào, chợ Cái Dăm, Bến Đoan...
Bánh cuốn chả mực
Điều làm nên nét khác biệt cho món bánh cuốn với nhiều nơi là miếng chả mực chiên vàng. Để có miếng chả ngon, đầu bếp thường chọn loại mực mai còn tươi. Sau khi sơ chế, mực đem giã tay để có độ giòn cần thiết.
Một số nơi còn cho thêm mỡ phần, đá lạnh vào cùng để khi chiên, miếng chả sẽ nở phồng, giòn thơm và ngon hơn. Nước chấm ăn cùng là mắm cay thoảng vị chua ngọt. Ngoài ra, mỗi phần còn có chút rau sống chống ngấy.
Bún xào ngán
Con ngán thuộc họ sò hến, sống trong bùn đất ở biển. Khi mua về, người chế biến dùng dao tách vỏ, lấy thịt, rửa sạch đất cát rồi thái nhỏ. Bún cắt ngắn khoảng sau đó để tơi. Các thành phần khác gồm mộc nhĩ, nấm hương, hành hoa được sơ chế cẩn thận.
Khi có khách, chủ quán bắt đầu phi thơm hành hoa, đổ đĩa bún trộn ngán vào xào, lúc gần chín mới cho các nguyên liệu còn lại. Món này thường ăn nóng cùng hạt tiêu thơm nồng.
Bánh tài lồng ệp
Bánh tài lồng ệp hình tròn, mềm dẻo, màu nâu, vị ngọt, có vừng trên bề mặt. Thành phần gồm bột nếp, đường phèn hoặc mật mía.
Đầu tiên, bột nếp xay nhuyễn rồi trộn với đường phèn và nhào tới khi dẻo quánh, không dính tay. Lúc này, người chế biến mới đổ bột vào khuôn, hấp khoảng 8 tiếng để bánh chín mềm và thơm. Món này bán gần các đền, chùa như Long Tiên, Trần Quốc Nghiễn....
Diệu Huyền