Cô cho biết trong số hồ sơ đã gửi đi, 35 không có hồi âm, 17 đang trong trạng thái chờ, còn lại bị từ chối hoặc đã phỏng vấn mà không đậu. "Nếu tính tổng số CV đã gửi trong 10 tháng thất nghiệp, tôi không thể nhớ nổi bao nhiêu", Phương Nhi, 28 tuổi, quê Hưng Yên nói.
Trước đây Nhi làm kế toán cho một công ty sản xuất. Đại dịch khiến công ty gần như phá sản, lương và các chế độ của nhân viên bị cắt giảm, nhiều người nghỉ việc hoặc bị ép nghỉ. Cô mất việc từ tháng 9/2022.
Kể từ đó, ngày nào Nhi cũng lùng sục các nguồn tuyển dụng, "đọc nát" những thông báo tìm người để kiếm một công việc phù hợp, trước khi nộp CV đều đọc kỹ mô tả, thấy mình đáp ứng được 80% yêu cầu mới ứng tuyển. Để chắc chắn, nhiều lần cô đến nộp trực tiếp cho nơi tuyển dụng hoặc gửi qua các web việc làm uy tín nhưng tỷ lệ được gọi phỏng vấn vô cùng ít.
"Những tưởng sang năm nay sẽ dễ tìm việc, không ngờ thị trường còn ảm đạm hơn", cô chia sẻ.
Thanh Hiền, 32 tuổi, mới thất nghiệp hơn một tháng mà "cảm tưởng dài như cả năm". Cô đã có 5 năm làm chăm sóc khách hàng cho một công ty ở Hà Nội, đợt này công ty làm ăn kém, Hiền quyết định nghỉ chuyển vào TP HCM sinh sống gần gia đình. "Cứ ngỡ vào đó sẽ dễ xin việc hơn, nhưng có vẻ tôi nhầm", cô nói.
Một tháng qua, Hiền đã gửi 300 hồ sơ xin việc cả online, trực tiếp, cho các vị trí chăm sóc khách hàng, hành chính, văn thư lưu trữ nhưng đều không có phản hồi.
"Mình rất thắc mắc vì thường sẽ có ít nhiều công ty gọi trao đổi, phỏng vấn trực tiếp, sẽ có rớt có đậu. Nhưng đợt này không có công ty nào gọi dù lượt xem hồ sơ trên các web tuyển dụng khá nhiều", cô chia sẻ.
Ba tuần đầu Hiền thực sự stress, "cảm thấy mình vô dụng". Sang tuần này cô quyết định tự thưởng cho mình một chuyến du lịch để lấy lại năng lượng.
Nhi và Hiền là những đại diện của nhóm lao động thất nghiệp bởi nhiều doanh nghiệp lao đao sau đại dịch phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân sự. Tại diễn đàn Chính sách việc làm cho thanh niên ngày 5/5, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết thống kê quý I/2023, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp là 7,6%, gấp 3,4 lần tỷ lệ chung cả nước.
Chỉ tính riêng khối sản xuất, theo Tổng cục Thống kê đến hết quý I/2023, cả nước có 149.000 lao động mất việc do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, tăng gần 13% so với quý trước.
Trong khi đó, khảo sát của công ty nhân lực Navigos Group cho thấy nhu cầu tuyển dụng của các ngành trong bốn tháng đầu năm 2023 giảm trung bình 16% so với 2022. Giảm sâu nhất là các lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn với tỷ lệ tới 43%, dệt may 39%, xây dựng và bất động sản 34%. Ngành công nghệ thông tin vốn được xem là "hot" ở Việt Nam và thế giới, cũng ghi nhận giảm 20%.
Theo báo cáo Khảo sát khó khăn doanh nghiệp và triển vọng kinh tế cuối năm 2023 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, làn sóng sa thải người lao động có thể sẽ còn tiếp diễn. Khoảng 5.200 trong gần 9.560 doanh nghiệp cho biết sẽ cắt giảm trên 5% lao động từ nay đến hết năm 2023.
Nhưng việc nhiều người mòn mỏi đi tìm việc không thành không hoàn toàn do lỗi của doanh nghiệp hay tình hình kinh tế. Tại Phiên giao dịch việc làm tổ chức tại Cổ Bi (huyện Gia Lâm, Hà Nội) hôm 24/6 có 36 đơn vị tham gia tuyển dụng, mang đến 1.730 chỉ tiêu nhưng lượng ứng viên đến tham dự rất ít. Có những doanh nghiệp không tìm được ứng viên nào. Đại diện một công ty lớn trong lĩnh vực may mặc cho biết họ tuyển hơn 30 nhân sự gồm kỹ thuật, kế toán, công nhân, mà chỉ có một người ứng tuyển.
Ứng viên tới tham dự phiên giao dịch thưa thớt nên chưa đến 10h sáng, các doanh nghiệp đã rục rịch ra về. Đại diện một công ty trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm và phụ liệu ngành hoa cho biết họ là đơn vị ra về sau cùng, nhưng không tìm được ứng viên nào, dù có 5 vị trí tuyển dụng. "Người lao động cứ kêu không tìm được việc, nhưng doanh nghiệp đi tuyển thì không ai đến. Có vẻ trời mưa cũng khiến ứng viên ngại đi tìm việc", người này nói.
Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội ghi nhận tình trạng ứng viên than phiền khó tìm việc, thất nghiệp kéo dài trên mạng xã hội. Dù vậy, theo ông vẫn còn khá nhiều các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Trong 5 tháng đầu năm nay, đơn vị này đã tổ chức khoảng 100 phiên giao dịch với hơn 2.800 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, tuyển sinh gần 50.000 người. Kết quả có hơn 20.000 người được phỏng vấn và hơn 6.800 người có việc làm.
Chị Nguyễn Thùy Dương, ở Hà Nội, một chuyên gia hỗ trợ viết CV và trả lời phỏng vấn cho các ứng viên thừa nhận tình hình công việc năm nay không mấy lạc quan nhưng vẫn có khá nhiều công ty tuyển nhân viên mà không được.
Thông qua hàng trăm hồ sơ đã hỗ trợ, Thùy Dương nhận ra hơn 50% các ứng viên không tìm được việc là do không qua vòng CV, khoảng 30% do nộp CV chưa đúng vị trí, 15% chưa thể hiện tốt trong vòng phỏng vấn và 5% còn lại do nhà tuyển dụng tìm được ứng viên phù hợp hơn.
"Mọi người cần ý thức dù bản thân có giỏi thế nào, nếu CV không lọt vào mắt nhà tuyển dụng, sẽ không có cơ hội đứng trước họ thể hiện sự xuất sắc của bản thân. Một khi hai bên đã lỡ nhau sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng nhà tuyển dụng tìm mãi không được người, còn ứng viên tìm mãi không có việc", Thùy Dương nói.
Khi nghe Phương Nhi than vãn thất nghiệp kéo dài trên một hội nhóm, Thùy Dương đoán có nguyên nhân từ CV. Kết nối với Nhi, chuyên gia thấy CV có bố cục khá rối, các thông tin cá nhân trình bày không nổi bật, không có tiêu đề vị trí tuyển dụng. Phần kinh nghiệm làm việc cũng không ghi rõ vị trí từng làm, trong khi kiệt kê kinh nghiệm dàn trải. Hiện Thùy Dương đang hỗ trợ Nhi viết lại CV và chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn công việc, phỏng vấn.
Thùy Dương khuyên các ứng viên phải chăm chút cho CV. Không dùng một CV để nộp tất cả vị trí tại các công ty khác nhau, thông tin cần chỉnh sửa để phù hợp với từng vị trí, ví dụ như tiêu đề vị trí nộp, thông tin về kinh nghiệm, hoạt động ngoại khóa, người tham chiếu. Cách trình bày cần rõ ràng, mạch lạc, chỉ ghi những kinh nghiệm cần thiết.
Sau bước viết CV, mọi người cần tìm hiểu về mức lương trung bình hiện tại của công ty và vị trí định nộp. Nếu các yêu cầu ứng viên và mô tả công việc khớp với kinh nghiệm và kỹ năng từ 30% trở lên, tức bạn có cơ hội. Tỷ lệ khớp càng thấp, đồng nghĩa bạn phải đồng ý với mức lương thấp hơn. "Nên biết chấp nhận với mức lương hợp lý trong thời gian kinh tế suy thoái này", cô nói.
Ông Vũ Quang Thành dự kiến nhu cầu tuyển dụng trong tháng tới của các doanh nghiệp có xu hướng tăng, sẽ có khoảng 43.000 - 45.000 vị trí việc làm, trong đó một số ngành nhu cầu tuyển dụng tăng cao như dịch vụ lưu trú và ăn uống; thông tin và truyền thông; bán buôn và bán lẻ.
10 tháng nghỉ việc là quãng thời gian địa ngục với Phương Nhi. Hàng ngày cô lo nhà cửa, bếp núc, hàng tháng vẫn đưa mẹ chút tiền sinh hoạt từ những đồng tiết kiệm ít ỏi. Song song xin việc, cô mò mẫm làm tiếp thị liên kết và các công việc kiếm tiền online khác.
Nhưng Nhi cho biết không được gia đình cảm thông. "Mình cảm thấy bản thân thừa thãi, vô dụng. Không lẽ thất nghiệp là tội đồ hay sao?", cô nói.
Phan Dương