Là người Hà Nội nhưng Đạt, 30 tuổi, vào TP HCM theo nghề kinh doanh vật liệu xây dựng từ vài năm trước trong khi vợ con anh vẫn ở lại thủ đô. Trước khi Covid-19 bùng phát, anh vẫn thường xuyên bay ra, bay vào. Từ tháng 4 đến nay vợ chồng anh chưa gặp mặt nhau. "Quan trọng nhất là vợ tôi sắp sinh, phải về hộ đê", anh nói.
Khi TP HCM và Hà Nội hết giãn cách hôm 1/10, vợ chồng Đạt tưởng như chỉ ngày một ngày hai là được đoàn tụ nhưng hóa ra mọi thứ gian nan hơn họ tưởng. Đường sắt và xe khách liên tỉnh chưa hoạt động lại. Cũng trong ngày 1/10, Cục Hàng không tổ chức lấy ý kiến 19 tỉnh, thành phố về việc mở lại đường bay nội địa. Tia hy vọng chưa kịp le lói thì Đạt nhận tin Hà Nội chưa đồng ý mở lại sân bay Nội Bài. Chiều 8/10, Phó thủ tướng thống nhất chủ trương thí điểm mở lại một số đường bay nội địa từ ngày 10/10, bao gồm cả Hà Nội. Đạt lập tức gọi về báo tin mừng cho vợ.
Nhưng một lần nữa anh mừng hụt. Tất cả các đại lý, phòng vé mà anh liên hệ đều trả lời: "Về Hà Nội, mỗi ngày chỉ có một chuyến, nhận tối đa 50% khách". Điều này đồng nghĩa với việc anh phải trả mức giá cao hơn mà tỷ lệ đặt vé thành công lại rất nhỏ.
Anh Đạt mới chỉ nóng lòng ra thủ đô vài ngày nay còn Vũ Ngân Hà, 27 tuổi, trú quận 4 đã tìm cách từ TP HCM ra Hà Nội vài tháng qua vì ngày cưới đã cận kề. Hôm 10/10, Hà cũng sục sạo khắp nơi để đặt vé máy bay nhưng không được. Giá vé tăng theo ngày, Hưng, chồng sắp cưới của Hà, gợi ý đợi xe khách hoặc tàu hoả hoạt động lại sẽ về nhưng cô không đồng ý vì "hai ngày trên tàu xe, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid".
Hà và Hưng cùng ở Hà Nội, vào TP HCM lập nghiệp được ba năm, dự tính đầu tháng 9 về quê tổ chức đám cưới thì bùng dịch. Ngày cưới được lùi đến đầu tháng 11. "Vậy mà giờ này mình vẫn ở đây. Mấy hôm nay mẹ mình còn 'dọa' kiểu gì cũng phải cưới trong năm nay, nếu không sẽ chờ thêm 2 năm nữa mới được tuổi", Hà kể.
Ngoài chuyện khó mua vé, giá cao, vợ chồng Hưng - Hà và anh Đạt cũng từng bất ngờ với quy định của Hà Nội đối với hành khách đến từ TP HCM. Ngoài các điều kiện phòng dịch như đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc có giấy chứng nhận nhiễm Covid-19 khỏi bệnh dưới 6 tháng, kết quả xét nghiệm PCR âm tính, hành khách còn phải cách ly tập trung 7 ngày tại một trong 20 khách sạn được chỉ định. Mức giá thấp nhất 1,3 triệu đồng một ngày đêm.
"Tôi không đủ tiền nếu cách ly kiểu này", anh Đạt nói. Suốt những tháng Covid, kinh doanh đình trệ, anh vẫn mất 30 triệu mỗi tháng thuê mặt bằng, kinh tế trở nên kiệt quệ. Không đủ tiền ở khách sạn, Đạt cũng không muốn ở khu cách ly tập trung, bởi sợ lây nhiễm chéo.
Quy định này đã khiến một số người buộc phải hủy vé, trong đó có ông Đức Sinh, 45 tuổi, giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ và cung ứng thực phẩm. Tối 10/10, một ngày trước chuyến bay, ông liên tiếp nhận được 3 tin nhắn từ hãng hàng không nói về quy định mới. "Tôi gọi đến gần 20 khách sạn nằm trong danh sách cho người cách ly, nhưng tất cả đều từ chối vì không còn chỗ trống", ông Sinh cho biết.
Chuyến đi lần này của ông Sinh vừa về nhà, vừa triển khai dự án mới. Nhưng với quy định từ Hà Nội, ông nói không khác gì làm việc online, trong khi xác định vượt hàng nghìn km ra Thủ đô là đi giám sát và gặp gỡ đối tác.
Loay hoay một ngày với quy định "7 ngày cách ly, 7 ngày ở nhà", những người mong mỏi về Hà Nội như Hà hay Đạt như tìm được lối thoát khi chiều 11/10, UBND TP Hà Nội cho hành khách từ TP HCM đến được theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú.
Theo quy định mới, từ ngày 10 đến 20/10, các đường bay giữa Hà Nội với TP HCM, Đà Nẵng có tần suất một chuyến mỗi ngày; ngồi giãn cách 50% công suất. Tuy nhiên, việc giảm số hành khách và tần suất bay về Hà Nội đồng nghĩa với cơ hội sở hữu vé trở nên khó khăn, nhất là người lao động có thu nhập thấp. "Nhu cầu đông, vé ít, giá ắt sẽ tăng", Đạt ngậm ngùi.
Dứt lời, anh liên hệ các phòng vé nhưng máy bận, thử tìm kiếm chuyến bay trên hãng hàng không chỉ nhận được thông báo "Các chuyến bay trong giai đoạn trước và sau 3 ngày quý khách chọn (ngày 12/10) đã hết chỗ". Đạt thở dài, tiếp tục tìm kiếm giá trên các hãng khác nhưng không có thông tin.
Giá vé leo thang, không được chọn ngày về khiến Hà từ bỏ ý định về quê. Những lao động đi làm xa như cô thường chọn đi làm thêm vào cuối tuần để tăng số ngày phép. Nhưng quy định giảm chuyến, giảm khách khiến Hà lo sợ phải bay vào đầu tuần hoặc giữa tuần. "Công ty mình không chấp nhận cho nghỉ dài ngày như vậy, nhất là vào dịp cuối năm, lượng công việc cần giải quyết lớn", cô trầm tư.
Lần thứ ba đi xem ngày, bố mẹ Hà chốt đầu tháng 1/2022 tổ chức cưới. Không thể tiếp tục dời ngày, cô suy tính chuyện xin nghỉ làm. "Việc lùi ngày cưới liên tục cũng không hay. Không có công việc này thì tìm việc khác, nhưng bất đắc dĩ mới phải nghỉ", Hà bộc bạch.
Còn với Văn Đạt, lời hứa về nhà chưa thực hiện được khiến anh suốt ngày bị bọn trẻ hỏi han. Nhìn đám trẻ từ 2 đến 6 tuổi thi nhau "chất vấn", ông bố ba con chỉ cười mếu: "Rồi bố sẽ về, đợi dịch ổn cả nhà ta lại gặp nhau".
Từ lúc nhận thay đổi, cách một tiếng Đạt lại lên tra cứu giá vé của các hãng, gửi thông tin lại các phòng vé để được báo giá tốt. Nhận lại, anh chỉ thấy giá vé mỗi lúc một tăng.
"Đường về nhà mỗi ngày một xa hơn", người đàn ông 30 tuổi thở dài.
* Tên một số nhân vật đã thay đổi
Hải Hiền - Quỳnh Nguyễn