Dưới ánh sáng rực rỡ ở khu chợ cá trên bên cảng Haedomari, thành phố Shimonoseki, những con cá nóc béo múp đang quẫy đạp. Trên sàn nhà kho ướt nhẹp nước biển, ông Yoshi Yanagawa chuyển vào 20 thùng cá, mỗi thùng chứa khoảng 15 con với độ dài, kích thước cũng như chất lượng thịt khác nhau.
Mùa đánh bắt cá nóc của ngư dân nơi đây bắt đầu từ tháng 9 cho đến cuối tháng 4 năm sau. Chợ cá mở cửa bán hàng sáu buổi sáng hàng tuần và là điểm mua bán, đấu giá cá nóc của các thương lái.
Khi phiên đấu giá kết thúc, người mua lập tức đóng gói những thùng cá nóc vào hộp và chuyển chúng đến 10 nhà máy chế biến khác nhau. Quy trình sơ chế, khử độc đều được tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định ban hành tại Nhật. Gan, thận, buồng trứng của chúng đều chứa chất kịch độc và cần được loại bỏ cẩn thận trong quy trình sơ chế.
Đây là điều vô cùng cần thiết bởi độc tố trong các nóc mạnh hơn cyanide trăm lần, và một lượng chất độc nhỏ trong gan cá có thể khiến 5 người đàn ông khỏe mạnh thiệt mạng. Các nhà khoa học chỉ ra một miligram chất tetrodotoxin trong nội tạng cá nóc cũng đủ để gây ra cái chết đau đớn cho nạn nhân chỉ sau một giờ nhiễm độc. Với độc tố này, Cục ngư nghiệp tây Australia xếp cá nóc vào loài có xương sống nguy hiểm chết người chỉ sau giống cóc vàng.
Ở Nhật, những đầu bếp được cấp phép chế biến món cá nóc này phải trải qua một quá trình huấn luyện nghiêm ngặt. Theo ông Suzuki - một đầu bếp trứ danh ở nhà hàng Shigekazu Suzuki, Tokyo - đối với những người chưa nhận được giấy phép sẽ không dễ dàng có thể làm sạch độc tính trong cá nóc khi chế biến đồ ăn. Và đây là một điều nguy hiểm.
Tuy nguy hiểm là vậy, cá nóc vẫn là một đặc sản được yêu thích của người Nhật. Những thực khách sành ăn ở Tokyo sẵn sàng chi tới hơn 200 USD để được thử qua món ăn được mệnh danh là "thách thứ tử thần" này. Những người là "fan" của món cá nóc cho biết cảm giác ngưa ngứa, kích thích nơi đầu lưỡi khi ăn là một phần trong sự quyến rũ mà món cá nóc mang tới. Tuy vậy nhiều người tin rằng chính cảm giác "cận kề cái chết" phần nào làm nên sức lôi cuốn mãnh liệt cho món ăn nguy hiểm này.
Anh Hata - một người gắn bó với công việc đánh bắt, chế biến cá nóc nhiều năm qua cho biết mỗi một đĩa cá nóc thực sự là cả một công trình nghệ thuật. Những người thợ bậc thày sẽ xắt thịt cá mỏng tang và bày lên đĩa theo hình bông cúc, núi Phú Sỹ, con công, con rùa...
Hata cũng tự tin cho rằng Shimonoseki - thủ phủ của cá nóc Nhật Bản - là nơi du khách có thể thưởng thức những phần cá nóc tươi ngon và đầy đặn nhất. Mỗi đĩa cá ở đây có khoảng 20 miếng, trong khi với mức giá tương đương ở Tokyo chỉ được 8 miếng. Món cá nóc có hương vị vừa thanh thoát, tinh tế song cũng hết sức đậm đà.
Đến Shimonoseki, một trong những nhà hàng làm món cá nóc độc đáo là Tanabe Shokudu. Trong thực đơn bữa sáng, bên cạnh món sashimi cá ngừ, thực khách có thể thưởng thức hương vị cá nóc chấm tương ponzu đen, tiếp theo là món fugu tempura chiên, và cá nóc kho ăn kèm với bánh gạo truyền thống của người dân địa phương. Ngoài ra, nhà hàng còn phục vụ món nước xuýt cá nóc nấu đậu phụ và củ cải trắng. Tất cả đều thơm ngon, dù cho việc thưởng thức món ăn này đem lại một chút cảm giác "rợn gáy".
Những điểm du lịch hấp dẫn khác quanh thành phố ngoài các nhà hàng cá nóc còn có Bảo tàng Hải dương học Shimonoseki, chùa Kozanji, miếu Akama, cầu Tsunoshima dài 1780 mét nối liền đảo Tsunoshima và Honshu cũng như Ganryujima, hòn đảo nhỏ ghi dấu ấn trận đấu kiếm tay đôi giữa hai kỳ phùng địch thủ Miyamoto Musashi và Sasaki Kojiro.
Cách đến thủ phủ của cá nóc: Để đến Shimonoseki, du khách có thể đáp máy bay từ sân bay Haneda tại Tokyo tới phi trường Yamaguchi Ube trong vòng 90 phút và mất thêm 60 phút nữa để đến nơi bằng xe bus. Ngoài ra du khách cũng có thể đến nơi này bằng cách đi tàu hỏa từ Tokyo, mỗi chuyến đi kéo dài khoảng 5,5 giờ đồng hồ. Nếu đi từ Osaka, bạn sẽ tiết kiệm được 2 tiếng ngồi tàu. |
Anh Minh