"Chúng tôi đặt mục tiêu hoàn thành mọi việc trước cuối năm 2024", Doina Gherman, lãnh đạo ủy ban chính sách đối ngoại quốc hội Moldova, cho biết ngày 20/12. "Điều này không có nghĩa là sẽ không có một số trì hoãn nhỏ, nhưng các đánh giá cho thấy chúng tôi đang ở giai đoạn cuối" của quá trình rút khỏi Cộng đồng Các quốc gia Độc lập (SNG).
Động thái diễn ra trong bối cảnh Moldova đã giảm dần liên hệ với SNG từ khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine hồi tháng 2/2022. SNG là các nước từng thuộc Liên Xô, hiện bao gồm Armenia, Azerbaijan, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyrstan, Moldova, Nga, Tajikistan và Uzbekistan. Ukraine là thành viên sáng lập nhưng đã dừng tham gia SNG từ năm 2018.
Quốc hội Moldova ngày 18/12 cho biết họ đang chuẩn bị hủy thêm hai hiệp ước với SNG về hợp tác chống khủng bố và lực lượng gìn giữ hòa bình. Trước đó, chính phủ Moldova đã thông báo kế hoạch rút khỏi hơn 100 trong tổng số 282 hiệp ước trong khuôn khổ SNG và hơn 40 thỏa thuận đã bị hủy.
Nga chưa bình luận về ý định của Moldova. Tại cuộc họp báo cuối năm hôm 14/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói nếu Moldova không muốn hội nhập vào cộng đồng hậu Liên Xô thì đó là lựa chọn của giới lãnh đạo nước này.

Tổng thống Moldova Maia Sandu dự một hội nghị ở Prague, Czech ngày 16/10. Ảnh: AFP
Theo ông chủ Điện Kremlin, tham gia các tổ chức thời hậu Liên Xô như SNG có thể giúp thành viên "tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, mang lại thịnh vượng cho người dân". "Hãy để họ làm điều họ muốn. Sự hiện diện của nước này ở SNG không có giá trị to lớn với chúng tôi", ông Putin cho biết.
Moldova có dân số gần 2,6 triệu người, giáp với Romania về phía tây và Ukraine ở phía bắc, đông và nam. Quan hệ giữa Nga và Moldova bắt đầu xấu đi từ năm 2021, khi bà Natalia Gavrilita nhậm chức thủ tướng và ủng hộ nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Căng thẳng giữa hai bên gia tăng sau khi chính phủ thân phương Tây của Moldova lên án Nga mở chiến dịch ở Ukraine. Tổng thống Moldova Maia Sandu còn cáo buộc Nga muốn kích động bạo lực tại Moldova để lật đổ chính quyền của bà, thay thế bằng nhóm cầm quyền thân Moskva. Nga bác bỏ cáo buộc, gọi những thông tin đó là "hoàn toàn vô căn cứ".

Vị trí Moldova và Nga. Đồ họa: Al Jazeera
Moldova nộp đơn xin gia nhập EU tháng 4/2022 và được khối cấp tư cách ứng viên hai tháng sau đó, cùng với Ukraine. EU tháng 11 đã nhất trí mở đàm phán về tư cách thành viên với Moldova và Ukraine, nhưng quá trình để hai nước chính thức gia nhập liên minh có thể mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ.
Như Tâm (Theo Reuters, TASS)