Tôi gọi điện hỏi cô nhân viên và được trả lời vay dưới ba tháng lãi suất 4%/năm; dưới sáu tháng 4,3%/năm và sáu tháng 4,7%/năm. Tài sản thế chấp là sổ tiết kiệm kỳ hạn sáu tháng trở lên của chính ngân hàng này hoặc của gần hai mươi ngân hàng khác. Mức chênh lệch của lãi suất ghi trên sổ tiết kiệm thế chấp so với lãi suất vay từ 0,6% đến 0,8%/năm.
Với lãi suất cho vay như trên, ngân hàng nọ chắc chắn không có lời vì lãi suất tiết kiệm niêm yết sáu tháng của họ đang là 4,7%/năm. Cái họ cần lúc này có lẽ không phải lợi nhuận mà làm thế nào đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, đồng thời không phát sinh nợ xấu. Và sổ tiết kiệm thuộc loại tài sản đảm bảo an toàn, hầu như không có bất kỳ rủi ro nào.
Chỉ tiêu tín dụng đang là mối quan tâm lớn của các ngân hàng. Đầu tháng 12/2023 hàng loạt nhà băng được nới chỉ tiêu tín dụng. Một ngân hàng nằm trong số hiếm hoi đã sử dụng hết 14% hạn mức trước đó, nhưng do được xếp loại A nhiều năm, liền được nâng room tín dụng lên 20%. Room tín dụng của ngân hàng S được nâng gấp đôi từ 7% lên 14%. Một nhà băng có giá cổ phiếu trên sàn cao nhất nhì nhóm ngân hàng cho biết đang chạy nước rút để đẩy tín dụng lên 10%. Chỉ có một ngân hàng nơi Nhà nước vẫn đang chiếm tỷ lệ chi phối áp đảo tự tin "bật mí" tín dụng năm nay có khả năng cán mốc 13%.
Hiện tượng hiếm gặp đang diễn ra trên thị trường tiền tệ: càng cuối năm lãi suất tiết kiệm càng thấp và thanh khoản vô cùng dồi dào. Mọi năm, tháng 12 các ngân hàng đua nhau nâng lãi suất tiết kiệm, khuyến mãi, tặng quà để mời khách hàng gửi tiền. Năm nay vắng bóng các chương trình khuyến mãi gửi tiền ở ngân hàng. Một số ngân hàng thậm chí không ngần ngại hạ lãi suất huy động giữa tháng 12.
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã và đang tạo điều kiện để các ngân hàng cho vay bằng việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng tham gia cuộc họp gần đây của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước với các nhà băng, nói chính sách đang được điều chỉnh để ngành ngân hàng tăng cường giải ngân. Tuy nhiên vấn đề là các ngân hàng rất khó cho vay.
Những doanh nghiệp mà ngân hàng muốn cho vay thì không có hoặc chưa có nhu cầu vay. Các khách hàng muốn vay và chấp nhận lãi suất cao thì nhà băng e ngại không thu hồi được nợ. Dường như đã rất lâu rồi mới thấy các ngân hàng thể hiện quyền tự chủ, tự quyết mạnh mẽ như hiện nay: nếu có rủi ro họ kiên quyết không giải ngân. Trong một cuộc trao đổi, đại diện một ngân hàng nhấn mạnh ngay cả khi các quy định về điều kiện cho vay được nới lỏng, các nhà băng vẫn bảo lưu quyền cho vay hay không. Không nói ra nhưng các ngân hàng và doanh nghiệp đều hiểu rõ sau những gì đã xảy ra ở Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), sự nhìn nhận về mức độ an toàn và rủi ro trong kinh doanh tiền tệ đã thay đổi nhiều.
Sự thay đổi trong nhìn nhận về kinh doanh ngân hàng nói riêng, nền kinh tế nói chung đặt ra một vấn đề lớn hơn - đó là sự tiến triển thích hợp trong chính sách cũng như điều hành thị trường tiền tệ. Một khi tăng trưởng tín dụng không còn là ưu tiên tuyệt đối bất chấp rủi ro trong con mắt các ngân hàng, việc duy trì hạn mức tín dụng trở nên không cần thiết. Từ trước đến nay hạn mức tín dụng tồn tại nhằm ngăn chặn một số ngân hàng cho vay quá nhiều, vượt qua các chỉ tiêu an toàn vốn, dẫn đến nguy cơ đổ vỡ hệ thống. Bây giờ quản lý các ngân hàng hoàn toàn có thể dựa trên bộ khung quy định các tiêu chí an toàn và để các ngân hàng tự quyết định tăng trưởng tín dụng phù hợp với thực tế.
Trong hoạt động cung ứng vốn cho nền kinh tế, bản thân cơ quan quản lý ngành đã tích cực điều hành chính sách tiền tệ thông qua lãi suất, tỷ giá để ổn định giá trị đồng Việt Nam và kiểm soát lạm phát. Không cần hạn mức tín dụng, Nhà nước vẫn có thể điều chỉnh tăng trưởng tín dụng theo nhu cầu nền kinh tế dựa trên lãi suất linh hoạt. Về phía các ngân hàng, tự quyết về tăng trưởng tín dụng sẽ giúp họ xác lập sự cân đối đầu vào đầu ra căn cứ trên sức chịu đựng rủi ro, khả năng tìm kiếm lợi nhuận và định hướng phát triển bền vững.
Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận hạn mức tín dụng, trong suốt 15 năm vừa qua đã tạo thêm rễ cho cơ chế xin cho bám chắc, trở thành một thủ tục hành chính đòi hỏi sự tốn kém về thời gian và cơ hội kinh doanh của xã hội. Hạn mức tín dụng đã hoàn thành vai trò lịch sử của nó. Sự cải tổ hệ thống ngân hàng một cách cấp thiết yêu cầu gỡ bỏ những gì mà vai trò của chúng không còn được chấp nhận. Nếu Nhà nước tiếp tục níu kéo hạn mức tín dụng, nó có thể biến thành gánh nặng không chỉ cho các ngân hàng, mà còn cho cả nền kinh tế.
Mười hai năm trước trong một cuộc phỏng vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lúc bấy giờ, tôi đã đặt câu hỏi khi nào bỏ hạn mức tín dụng. Người đứng đầu ngành ngân hàng trả lời khi thời điểm thích hợp. Thời điểm thích hợp tính đến nay đã kéo dài hơn một thập kỷ. Nhưng muộn còn hơn không.
Xóa bỏ hạn mức tín dụng sẽ là đột phá đầu tiên của năm 2024 để vực dậy nền kinh tế.
Hải Lý