Báo cáo do Ngân hàng Thế giới công bố sáng 10/9 cho thấy Việt Nam đứng thứ 92 trong tổng số 181 nền kinh tế được xếp hạng. Năm ngoái, vị trí của Việt Nam là 91/178, sau khi vươn lên từ 104.
Bảng xếp hạng năm nay bổ sung 3 nền kinh tế gồm Bahamas (thứ 55), Bahrain (18) và Qatar (37). Do có 3 thành viên mới này, nên dù thực tế tiến được 2 bậc, song trong "bảng tổng sắp", Việt Nam vẫn lùi một bước so với năm ngoái.
Tại buổi công bố báo cáo, ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) nhận xét, năm ngoái Việt Nam đứng cuối trong nửa đầu của bảng xếp hạng, còn năm nay lùi về đứng đầu của nửa cuối.
Trong 10 tiêu chí đánh giá môi trường kinh doanh, Việt Nam chỉ có một được cải thiện, là tiếp cận tín dụng. Các tiêu chí khác, như bảo vệ nhà đầu tư, thành lập doanh nghiệp, đóng thuế và giải thể doanh nghiệp, đều không chạm được tới hạng 100.
WB cho hay, lĩnh vực vay vốn tín dụng tại Việt Nam được cải cách hơn nhờ áp dụng hệ thống đăng ký thông tin tín dụng công, giúp lưu trữ các hồ sơ tín dụng lâu hơn, và cung cấp cho ngân hàng thêm dữ liệu về lịch sử tín dụng và khả năng trả nợ của các khách hàng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong nước, ngay với tiêu chí này, Việt Nam cũng chưa hẳn đạt được tiến bộ. Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, cần vốn nhất tại Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, đối tượng được WB khảo sát lại là các doanh nghiệp nước ngoài hoặc các công ty lớn, những đơn vị có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn nhiều. Vì thế, chưa thể khẳng định việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp đã được cải thiện, nhất là trong bối cảnh tín dụng bị siết chặt như năm nay.
Trung bình doanh nghiệp Việt Nam mất 1.050 giờ, tương đương 130 ngày là việc, để thực hiện các thủ tục đóng thuế. Năm nay thứ hạng về đóng thuế của Việt Nam là 140/181. Ảnh: Hoàng Hà |
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, vị trí trong "bảng tổng sắp" thế giới không đáng lưu tâm bằng tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Theo bà Phạm Chi Lan, một số tiêu chí xếp hạng không giảm sút, như thực thi hợp đồng, đăng ký tài sản, cho thấy Việt Nam đã có cố gắng. Tuy nhiên, thứ hạng chung vẫn sụt giảm.
Điều này, theo bà, là do các nước khác cũng liên tục cải thiện môi trường kinh doanh và họ làm tốt hơn hẳn, nên Việt Nam vẫn không có được bước tiến đáng kể. "Các nước khác đang hội nhập nhanh hơn, và đây mới là điều đáng suy nghĩ", bà Lan nói.
Cùng quan điểm này, ông Trần Hữu Huỳnh cho hay, nhìn chung các nền kinh tế đang chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang đường hướng thị trường có tốc độ cải cách nhanh nhất. Ông cho rằng, các cải cách về môi trường kinh doanh tại Việt Nam chậm hơn hẳn các nước Đông Âu, khu vực có nhiều điểm tương đồng, và thậm chí có phần đang chậm lại. Mặt khác, theo ông Trần Hữu Huỳnh, một phần số liệu sử dụng cho báo cáo của WB là từ năm 2007, nên chưa phản ánh hết điều kiện tại Việt Nam hiện nay.
Hiện điều kiện bảo vệ các nhà đầu tư tại Việt Nam đứng thứ 170 thế giới. So với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mức độ bảo vệ nhà đầu tư chỉ cao hơn Lào. Chỉ số này ở Việt Nam là 2,7 trên tổng điểm 10, tronng khi tại nước láng giềng Trung Quốc là 5, Philippines là 4, Thái Lan 7,7 và Malaysia 8,7.
Mặt khác, các thủ tục thuế ngốn nhiều thời gian và công sức của các doanh nghiệp cũng khiến môi trường kinh doanh tại Việt Nam mất điểm. Trung bình một năm công ty Việt Nam đi đóng thuế 32 lần. Con số tại Trung Quốc và Thái Lan lần lượt là 9 và 23. Các doanh nghiệp này mất khoảng 1.050 giờ (130 ngày làm việc) để hoàn tất các thủ tục thuế. Theo số liệu do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố trước đây, thời gian này còn lên tới 245 ngày làm việc.
Theo ông Martin Rama, Quyền giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, có khả năng thứ hạng không được cải thiện do nhà đầu tư chưa nhìn thấy rõ nét những cải cách trong nước.
"Các cam kết của Chính phủ đã có, nhưng doanh nghiệp chưa có được cảm nhận rõ ràng", ông Rama nói. Ông cũng cho rằng, thứ hạng về môi trường kinh doanh của các nền kinh tế không chỉ phụ thuộc vào các chỉ tiêu, mà cả điều kiện kinh tế vĩ mô.
Ngọc Châu