"Tôi đang chiến đấu với ung thư phổi được một năm 3 tháng, đúng là chi phí rất lớn, mỗi tháng từ 15-25 triệu. Chắc kinh tế cũng chỉ trụ được vài tháng nữa nên tôi dự định khi hết tiền sẽ ngừng điều trị.
Mục tiêu của tôi là chờ đến khi bạn nhỏ nhà mình vào lớp 1, lúc đó tôi phần nào yên tâm. Bác sĩ động viên cố gắng duy trì vì thuốc điều trị của tôi sắp được bảo hiểm thanh toán".
Độc giả tongthiminh.150284 chia sẻ như trên, kể về hành trình chiến đấu với ung thư phổi trong suốt một năm ba tháng và gánh nặng chi phí thuốc thang. Bình luận này được viết sau bài Hết tiền, bỏ cuộc chữa ung thư.
Theo đó, kinh tế luôn là gánh nặng trong cuộc chiến với ung thư, nhiều gia đình khuynh gia bại sản, có người "đứt gánh giữa đường" bởi không có tiền chữa bệnh.
Độc giả hondalinh3317 chia sẻ nỗi đau mất mát khi bố và mẹ đều qua đời vì ung thư chỉ trong vòng 5 năm:
"Năm 2003, bố tôi bị ung thư dạ dày. Gia đình gồng mình được 6 tháng, tài sản trong nhà không còn gì nữa, vay mượn khắp nơi, nhưng đến lúc không còn khả năng vay thêm thì phải từ bỏ. Bố tôi mất. Đến năm 2008, mẹ tôi bị ung thư gan và chỉ sau đúng một tháng mẹ cũng qua đời.
Nỗi đau do ung thư mang lại chỉ có người bệnh và người nhà mới hiểu được. Tiền bạc dành dụm cả đời, đôi khi còn không đủ để điều trị nổi một tháng".
Khảo sát năm 2015 do Viện Nghiên cứu Sức khỏe toàn cầu George thực hiện tại 8 quốc gia với gần 10.000 bệnh nhân ung thư, 20% trong số đó ở Việt Nam, cho thấy 55% bệnh nhân gặp thảm họa tài chính và tử vong trong vòng một năm sau khi phát hiện bệnh. Sau 12 tháng điều trị, 66% người bệnh phải đi vay tiền chữa tiếp tục, 34% không đủ tiền mua thuốc, 24% khánh kiệt kinh tế gia đình.
Độc giả nickname aq12345 nói: "Chi phí điều trị mỗi tháng có thể từ 50-70 triệu. Nếu kiên trì điều trị, có thể (chỉ là có thể thôi nhé) kéo dài được khoảng một năm, nhưng cũng phụ thuộc vào may mắn.
Hy vọng bảo hiểm y tế sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho bệnh nhân ung thư, để họ có khả năng kéo dài sự sống".
Độc giả Vũ Tiến cho rằng: "Nhiều bệnh nhân ung thư còn rất trẻ, chỉ ngang tuổi mình, nhưng làm sao họ có sẵn tiền tỷ để theo phác đồ điều trị? Rất ít người Việt có thể đáp ứng được. Vì vậy, các loại thuốc điều trị ung thư cần được đưa vào danh mục được chi trả bởi bảo hiểm y tế".
"Tôi nghĩ cần có sự chung tay từ nhiều phía, từ cộng đồng, cơ quan, chuyên gia... chứ không thể để 'nước tới chân mới nhảy'. Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh.
Xã hội cần có hành động mạnh mẽ hơn, như cấm thuốc lá một cách chặt chẽ, tìm giải pháp hiệu quả để ngăn chặn thuốc lá, giảm ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn. Các công viên công cộng nên được xây dựng thêm, hoặc phát thực phẩm chức năng miễn phí cho cộng đồng, đặc biệt với các gia đình khó khăn.
Nếu xã hội giảm bớt được các ca ung thư, gánh nặng cho bảo hiểm y tế cũng sẽ giảm. Khi những người không may mắc ung thư, họ sẽ có cơ hội được bảo hiểm y tế chi trả cao hơn", độc giả cotton candy nói.
Độc giả Phù Vân chia sẻ:
"Phải nói rằng, khi nhận kết quả chẩn đoán ung thư, hầu như ai cũng cảm thấy choáng váng và sụp đổ, như nhận một 'bản án tử' treo lơ lửng trên đầu, có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nguyên nhân dẫn đến ung thư thì rất nhiều: di truyền, lối sống, căng thẳng, chế độ ăn uống... Vì vậy, mỗi chúng ta nên quan tâm và điều chỉnh lối sống của bản thân và gia đình khi thấy sức khỏe có vấn đề.
Nếu có điều kiện, hãy cố gắng duy trì việc khám sức khỏe định kỳ, từ 2-3 năm một lần, hoặc 6 tháng đến 1 năm tùy vào độ tuổi và hoàn cảnh. Khi kết quả kiểm tra sức khỏe có vấn đề, hãy điều trị và điều chỉnh lại lối sống sao cho phù hợp.
Đôi khi chỉ cần thay đổi nhỏ, như giảm bớt rượu bia, thuốc lá, đường, đồ ngọt... nghỉ ngơi đầy đủ từ 5-8 tiếng mỗi ngày, tập thể dục phù hợp... cũng tạo nên sự khác biệt.
Sức khỏe và tiền bạc là hai vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta cần lưu tâm giữ gìn".
Hữu Nghị tổng hợp