Lướt trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp những trang mạng với tiêu đề giật gân, chủ yếu khai thác scandal của nghệ sĩ, doanh nhân nổi tiếng, hay đăng tải những status thô tục, những câu nói lái nghĩa, bóng gió về chủ đề nhạy cảm.
Thậm chí, có những trang còn chuyên "đào bới" lại scandal cũ của người nổi tiếng, hoặc gắn những phát ngôn gây sốc mà chính chủ cũng không hề hay biết, nhằm mục đích câu kéo sự chú ý của dư luận bất chấp luật pháp và đạo đức.
Để hạn chế tiếp xúc với những nội dung độc hại này, người dùng buộc phải tự tay ẩn hoặc tắt thông báo từ các trang mạng trong 30 ngày. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi "rác" vẫn luôn xuất hiện ở những trang mạng khác, len lỏi vào tâm trí của thế hệ trẻ, dần dần làm lệch lạc suy nghĩ, nhân cách và các giá trị đạo đức của các em, đặc biệt là học sinh.
Không ít những bình luận "muốn thùng xốp không..." xuất hiện trong các câu chuyện tình cảm tay ba, được xem là "hài hước", nhưng thực chất lại là những tội ác mà những người có văn hóa và lương tri luôn muốn đẩy lùi. Việc sử dụng các từ viết tắt mang nội dung tục tĩu cũng trở nên phổ biến, được biện minh bằng những lý do như "bậy bạ gì đâu", "vui thôi mà".
Nội dung bẩn, clip dàn dựng tạo drama, những "giang hồ mạng" ngang ngược chửi bới, dạy đời, nói chuyện đạo lý... cũng góp phần làm nhiễu loạn giá trị giữa tình và tiền, tình cảm gia đình, vợ chồng, tình yêu đôi lứa. Những điều này tác động tiêu cực đến suy nghĩ của giới trẻ, gieo mầm cho những suy nghĩ tiêu cực, bạo lực, đề cao vật chất trong tâm trí các em.
Việc trang bị bộ lọc cho người dùng mạng xã hội là điều cần thiết, tuy nhiên gốc rễ của vấn đề nằm ở sự quan tâm và giáo dục của cha mẹ trong việc sử dụng mạng xã hội của con em mình.
Đồng thời, người lớn cũng cần nâng cao ý thức, tránh xem những nội dung độc hại trước mặt trẻ em. Nhà trường đóng vai trò hỗ trợ, nhưng cũng chỉ một phần, bởi giáo viên đã phải chịu quá nhiều áp lực từ công việc và các vấn đề sư phạm, thậm chí còn trở thành nạn nhân của những trào lưu mạng độc hại này.
Để chấn hưng văn hóa, cần triển khai các biện pháp quyết liệt, triệt để "quét rác" trên môi trường mạng. Việc xử phạt một số nghệ sĩ vi phạm gần đây là chưa đủ, mà cần có giải pháp kỹ thuật hiệu quả, kết hợp với sự phối hợp của các công ty quản lý mạng xã hội để ngăn chặn "rác độc" đang đầu độc thế hệ trẻ hiện nay.
Nguyễn Quân
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.