Thất Sơn -
- "Sự trở lại vết xước" phát hành khoảng cuối năm 2007. Nhưng hình như sự xuất hiện của nó còn khá lặng lẽ, sao anh không dụng công PR cho cuốn tiểu thuyết đầu tay?
- Tôi chưa nghĩ đến chuyện quảng cáo cho tác phẩm của mình. Khi bước vào con đường viết lách, tôi tự đề ra một "bài tập" cho bản thân: nếu người ta im lặng 100% với cuốn sách hay trang viết mà mình công bố thì đó là điều bình thường, không nên cau mày bóp trán làm gì. Tôi thấy mình cũng chẳng phải là nhà văn gì ghê gớm. Sau khi hoàn thành một tác phẩm, điều tôi quan tâm là cần phấn đấu để có tác phẩm tốt hơn.
Nhà văn Trần Nhã Thụy. Ảnh: Anh Vân. |
- Anh nghĩ sao khi có vài nhận xét rằng, tiểu thuyết của anh xuất hiện một vài môtíp khá quen thuộc ở các tác phẩm nổi tiếng khác, chẳng hạn như việc anh để cho nhân vật người vợ mất tích?
- Nếu tạm gọi việc mất tích là một môtíp, thì môtíp này không là độc quyền của ai. Tôi sử dụng nó trong cuốn sách một cách hết sức tự nhiên, khi nói về tâm thế thoát ly cuộc sống. Có một lúc nào đó người ta chán, người ta muốn mất tích, muốn biến mất trong một khoảng thời gian.
Tôi đưa "mất tích" vào văn chỉ như một cái cớ để nói về những điều khác. Phần lớn chúng ta đang sống trong cái vòng lừa đảo luẩn quẩn lẫn nhau. Rồi nạn kẹt xe, sự nhiễm độc từ từ về thể chất và tâm hồn, cuộc tấn công tàn khốc của đô thị. Một con người lương thiện phải sống như thế nào cho ra con người trong xã hội như thế? Đó luôn là điều tôi tự hỏi.
Nói thật, hàng ngày trong lòng tôi đều có sự đối diện thường trực với nỗi đau về những điều chưa tốt, những điều bất công mà mình thấy, mình cảm nhận được trong cuộc sống. Và tôi thích được cọ xát thực sự với nỗi đau hơn là né tránh nó.
- Anh hài lòng nhất điều gì trong cuốn sách của mình?
- Tôi hy vọng đây là một tác phẩm gợi mở nhiều vấn đề khiến người ta muốn suy nghĩ.
Tôi ấp ủ cuốn sách từ 2004 đến 2007 và có cảm giác là mình không giải quyết hết được những vấn đề đưa ra. Đầu năm 2007, tôi đã xin nghỉ việc để hoàn chỉnh nó trong vòng 3 tháng. Tôi hài lòng là mình đã hoàn thành được nó.
- Thường thì cảm hứng viết lách của anh đến từ đâu?
- Cảm hứng từ cuộc sống nội tại. Từ những gì gần gũi nhất, chẳng hạn từ đoạn đường trước nhà của tôi, nằm trên con đường huyết mạch của Sài Gòn, hơn 5 năm nay vẫn chưa được sửa sang để thoát tình trạng lầy lội, ngập nước.
- Điều lớn nhất mà công việc viết lách mang đến cho anh là gì?
- Là biết quý trọng mỗi con người bình thường trong cuộc sống. Để có chất liệu văn chương tôi rất thích quan sát, thích chơi với người lao động bình thường. Đời sống của họ hay lắm. Nhìn vào đấy có thể rút tỉa ra những chi tiết rất đắt mà không nhà văn tự phịa ra được. Những người bình thường nhiều lúc còn nghệ sĩ hơn bất cứ người nghệ sĩ nào khác.
Như có lần trong chuyến đi Phan Thiết, tôi quen với một anh vào dịp Tết chuyên sống bằng nghề chặt lồ ô. Mỗi khi lên rừng chặt cây, anh đi bằng xe bò, tôi cũng thử đi cùng một chuyến với anh ta. Sau chiếc xe này có cái cộ, người ta đặt trên chiếc cộ này bếp núc để nấu cơm, pha nước uống... Cứ thế con bò chở người đi lấy gỗ đủng đỉnh vào rừng. Có khi người đánh xe ngủ quên, ai chơi khăm thì có thể ngoặt thừng con bò chuyển hướng đi về nhà.
Chuyến đi thú vị này tạo cảm hứng cho tôi viết truyện Lặng lẽ rừng mai.
- Anh suy nghĩ gì về những người cầm bút thuộc thế hệ của anh?
- Thế hệ nhà văn tạm gọi là 7X phần lớn còn tự học là chính, kiến thức chưa có sự hệ thống. Bản thân tôi viết được cái gì thì cố hết sức mà viết.
- Nhưng là một người viết, anh nhìn nhận ra đâu là giá trị của mình?
- Những gì tôi viết ra từ suy nghĩ riêng, cảm xúc thật của chính tôi. Vì thế, chúng ít trùng lắp với ai khác.
- Đã có nhiều tác phẩm được in, sao anh chưa trở thành hội viên hội nhà văn?
- Vì tôi thấy mình chưa xứng đáng là một nhà văn. Đến khi nào tôi cảm thấy mình xứng đáng, tôi sẽ xin vào hội. Tôi không dám cho mình là một nhà văn. Mà nếu có cũng chỉ là nhà văn hạng hai.
- Anh nghĩ gì về nghề viết văn và nhà văn hiện nay?
- Nhà văn thực sự có tài quá ít. Và có nhiều dạng nhà văn rất thông minh. Họ biết là nên kết thân với ai để được in sách đẹp, chơi với ai thì có được suất đi nước ngoài, quen với ai thì được giải thưởng.
Viết mà lòng mình không tốt thì rất nguy hiểm. Thêm nữa, văn chương không phải là chỗ của tư duy ứng dụng. Với khoa học công nghệ thì có thể như thế. Trong văn chương anh phải tự tạo ra con đường của mình, phải có lối đi riêng. Có thể lần đầu anh dở ẹc, lần hai lần ba cũng vậy, nhưng đến lần thứ n nào đó anh có thể khá hơn, đó là sự hấp dẫn lẫn thử thách khắc nghiệt của văn chương.
Tôi nghĩ, công việc viết văn nghiêm túc là một con đường rất khó nhọc. Nhưng tôi có cảm giác, các cây viết hiện nay thay vì chọn con đường đi khó nhất trong văn chương thì lại chọn con đường dễ nhất. Chẳng hạn, chỉ cần 15 phút có thể tưởng tượng ra được một truyện ngắn, nhưng lại nhàn nhạt, không có một chút ưu tư ở trong đấy.
- Là một người viết, anh tâm niệm điều gì?
- Tôi chơi với "giới giang hồ" khá nhiều, và tôi luôn tâm niệm người giỏi nhất là người mình chưa biết. Luôn học hỏi là điều hết sức quan trọng. Học trong cuộc sống bình thường, đọc chậm viết ít nhưng cần có sức nặng trên trang viết. Đó là những điều tôi muốn mình "thấm nhuần". Mà muốn như thế là cả một quá trình phải luyện tập.
Cũng như cách luyện đứng tấn trong khi học võ, một bài tập cần phải luyện hoài. Càng đứng tấn vững thì càng giỏi võ. Văn chương cũng vậy, rất cần phải luyện tâm, luyện viết thường xuyên.
- Chưa vào hội nhà văn, chưa có giải thưởng, vậy đâu là sự khích lệ của anh trong nghề viết?
- Nhiều người đọc truyện của tôi vẫn chưa biết Trần Nhã Thụy là ai. Thậm chí khi các diễn đàn trên mạng bàn tán về tác phẩm của tôi, họ còn nhầm tôi là con gái. Nhưng dù sao, một sự khích lệ lớn với người viết là có độc giả tìm đến tác phẩm của mình.
Thất Sơn thực hiện