Sự rạn nứt giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron trở thành tâm điểm chú ý của dư luận trong tuần này khi hai bên liên tục chỉ trích lẫn nhau sau một quãng thời gian dài thân thiết.
Quan hệ giữa hai người có khởi đầu trắc trở khi Trump công khai ủng hộ đối thủ của Macron trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Khi Trump và Macron gặp nhau lần đầu tiên ở Brussels, Bỉ ngày 25/5/2017, cả hai đã bặm môi, gồng sức khi bắt tay.
Macron sau đó nói với một tờ báo Pháp rằng màn đối mặt này là "giây phút thử thách", cho thấy ông sẽ không chịu bất kỳ nhượng bộ nào đối với Tổng thống Mỹ.
Trump sau đó tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã được Obama và gần như toàn bộ lãnh đạo thế giới ký năm 2015. Ông nhấn mạnh chiến lược "nước Mỹ trước tiên" của mình, nói rằng ông được bầu để "đại diện cho công dân Pittsburgh, chứ không phải Paris".
Dù chỉ mới nhậm chức ba tuần, Macron khi đó không ngần ngại công kích quyết định này của Trump. Ông mời các nhà khoa học khí hậu Mỹ tiếp tục hoạt động nghiên cứu ở Pháp và nhại lại khẩu hiệu tranh cử của Trump: "Khiến hành tinh của chúng ta hùng mạnh trở lại".
Tuy nhiên, tháng 7/2017, Macron tích cực lấy lòng Trump khi mời ông đến dự lễ duyệt binh mừng ngày Quốc khánh. Tổng thống Pháp chiêu đãi Trump các món ăn thượng hạng trong một nhà hàng được mệnh danh là "đầy ắp những giấc mơ và ma thuật" tại tháp Eiffel, sau đó đưa ông đi tham quan lăng mộ Napoléon.
"Pháp là đồng minh đầu tiên và lâu đời nhất của Mỹ. Rất nhiều người không biết điều đó", Trump nói trong cuộc họp báo song phương tại Điện Elysee. "Việc đó bắt đầu từ lâu lắm rồi, nhưng chúng ta vẫn ở bên nhau. Chúng ta có quan hệ rất tốt".
Trump thể hiện rõ rằng ông rất hài lòng trước sự đón tiếp nồng hậu của Macron. Khi kết thúc chuyến đi, ông đăng lên Twitter bức ảnh Macron và mình đứng cạnh nhau trò chuyện khi đang xem duyệt binh. Ông còn cảm ơn Tổng thống Pháp một lần nữa trong cuộc gặp sau này tại Liên Hợp Quốc.
Truyền thông gọi đây là "kỳ trăng mật" của Trump và Macron. Các quan chức Mỹ ghi nhận Macron là một trong những người gọi điện thường xuyên nhất đến Nhà Trắng. Ngoài bàn luận về vấn đề quốc tế, hai người đôi khi còn tán gẫu chuyện phiếm. Cây bút Stephen Collinsion của CNN khi đó đánh giá Macron có thể muốn nâng cao vị thế của mình và của đất nước bằng cách xây dựng tình hữu nghị với Tổng thống Mỹ.
Khi Tổng thống Pháp đến Nhà Trắng ngày 26/4, ông cũng được tiếp đón bằng nghi lễ long trọng. Trong suốt chuyến thăm, hai lãnh đạo liên tục bày tỏ tình hữu nghị qua nhiều hành động như bắt tay, ôm hôn, tán tụng nhau, thậm chí Trump còn phủi bụi trên ve áo của Macron. "Mối quan hệ giữa chúng tôi rất đặc biệt", ông khẳng định. Trước chuyến thăm này, Mỹ và Pháp còn thể hiện sự đoàn kết khi cùng tham gia đòn không kích Syria để phản ứng trước cáo buộc chính quyền Damascus dùng vũ khí hóa học với dân thường.
Tuy nhiên, mối quan hệ sau đó nhanh chóng xấu đi vì Macron không thể thuyết phục được Trump từ bỏ quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran mà Washington và các cường quốc ký với Tehran năm 2015. Sự thân thiết giữa hai người cũng không thể giúp Pháp được miễn thuế 25% với nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 7, Trump đe dọa rút khỏi liên minh quân sự này trừ khi các nước khác tăng chi tiêu quốc phòng. Một tháng sau, Macron công bố một "đánh giá toàn diện" về hợp tác quốc phòng tại EU và tuyên bố khối không còn có thể dựa vào Mỹ trong vấn đề an ninh.
Ông lặp lại lập trường này trong cuộc phỏng vấn với đài Europe 1 hôm 6/11, nói rằng châu Âu không thể được bảo vệ nếu không quyết định tạo ra một quân đội châu Âu thật sự. "Đối mặt với Nga, chúng ta phải có một châu Âu có thể tự bảo vệ mình mà không phải dựa hoàn toàn vào Mỹ", ông nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ sau đó đáp trả bằng việc đăng dòng tweet nhận xét ý tưởng của Macron là "rất xúc phạm", bởi ông cho rằng Tổng thống Pháp muốn lập một quân đội châu Âu để "đối phó với Nga, Trung Quốc và cả Mỹ". Các chuyên gia đánh giá thông tin về phát biểu của Macron trước khi tới được tai Trump có vẻ đã bị cắt xén hoặc dịch sai, khiến ông hiểu sai hoàn toàn về ý nghĩa thực sự của nó.
Khi Trump đến Pháp để dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến I ở Paris, Macron ngày 11/11 dội "gáo nước lạnh" vào Trump bằng bài phát biểu lên án chủ nghĩa dân tộc. Tổng thống Pháp gọi chủ nghĩa dân tộc là "con quỷ già đang nhăm nhe quay trở lại mặt đất để gieo rắc sự hỗn loạn và cái chết" và khẳng định nó là "sự phản bội lại lòng yêu nước".
Sau khi trở về Washington, Trump trút cơn thịnh nộ bằng một loạt dòng tweet công kích ý tưởng thành lập "đội quân châu Âu" của Macron, chỉ trích việc rượu vang Pháp nhập khẩu vào Mỹ được hưởng mức thuế thấp trong khi rượu vang Mỹ bán ở Pháp bị áp thuế rất cao. Ông còn chế nhạo Tổng thống Pháp có tỷ lệ ủng hộ thấp, tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp cao đồng thời khẳng định không có quốc gia nào "theo chủ nghĩa dân tộc" lớn như Pháp.
Những dòng tweet này được đăng vào ngày 13/11, ngày Pháp tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố Paris khiến 130 người thiệt mạng ba năm trước, khiến Paris chỉ trích Trump hành xử thiếu lịch sự.
Macron khẳng định Mỹ vẫn là đồng minh thân thiết của Pháp nhưng nhấn mạnh "đồng minh không đồng nghĩa với việc trở thành một chư hầu. Giữa các đồng minh cần có sự tôn trọng".
Nhận xét về quan hệ giữa hai lãnh đạo, chuyên gia Erik Brattberg từ trung tâm nghiên cứu Carnegie Endowment nói rằng Macron đã được bầu với lời hứa khiến Pháp có vị trí quan trọng hơn trên vũ đài quốc tế.
"Macron từng muốn thực hiện lời hứa đó bằng cách phát triển quan hệ với Trump để có thể tác động đến các quyết định của Tổng thống Mỹ", Brattberg nói. "Nhưng giờ đây, khi Trump vẫn giữ cách tiếp cận cứng rắn và không được yêu mến ở châu Âu, Macron có thể tính toán rằng cách đặt cược tốt nhất của mình là đối đầu với ông ấy".