Trong phần giải đáp thắc mắc của độc giả theo dõi buổi tư vấn trực tuyến "Viêm màng não do não mô cầu - Chủ quan là mất mát" diễn ra vào giữa tháng 4, Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thiện Hải - Trưởng khoa Nội (Truyền nhiễm), Bệnh viện Nhi Trung Ương có những chia sẻ về các biện pháp phòng bệnh, lưu ý xoay quanh tiêm vaccine.
- Xin bác sĩ tư vấn về cách xử lý khi các bậc cha mẹ bị trễ lịch tiêm cho trẻ như quên lịch, địa điểm tiêm bị thiếu vaccine?
- Trước tiên, các bậc cha mẹ cần chủ động liên hệ cơ quan y tế để được tư vấn cách xử lý đúng nhất cho từng trường hợp. Trường hợp nếu trễ lịch tiêm cần tiêm ngay, càng sớm càng tốt, chứ không đợi đến đợt tiếp theo mới tiêm. Điều này đúng với tất cả các loại vaccine. Hiện nay, vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy tiêm trễ sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả các mũi tiêm tiếp theo.
- Các phản ứng có thể gặp ở trẻ sau khi tiêm vaccine là gì thưa bác sĩ?
- Tiêm vaccine là quá trình đưa chất lạ vào cơ thể nên tất nhiên phải có những phản ứng. Một số phản ứng có thể gặp ở trẻ sau khi tiêm vaccine là sốt, đau, vết tiêm sưng... Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần cẩn thận quan sát kỹ. Nếu con có bất cứ biểu hiện nào không giống những phản ứng thông thường như quấy khóc kéo dài trên 15-20 phút, sốt trên 38,5 độ mà dùng thuốc không giảm, sốt nhẹ nhưng chỉ nằm ườn mệt mỏi chứ không ngồi chơi như bình thường hoặc vết sưng to lên nhanh... thì phải được tư vấn ngay với nhân viên y tế để xác định mức độ nguy hiểm. Các bậc cha mẹ tuyệt đối không tự ý dùng thuốc giảm sốt, nắn tay hoặc đắp, dán bất cứ thứ gì lên vết sưng để tránh gây nhiễm trùng và hoại tử tay con.
- Vaccine viêm màng não mô cầu có được tiêm chung với loại vaccine khác không?
- Hiện tại hầu như không có trường hợp nào chống chỉ định tiêm hai loại vaccine cùng lúc, vì sẽ tiêm hai mũi tiêm ở hai vị trí khác nhau. Để biết được chính xác nên tiêm mũi nào trước, mũi nào sau hoặc có thể tiêm cùng lúc hai hay nhiều loại vaccine hay không, các bậc cha mẹ nên tham khảo tư vấn của nhân viên y tế trước khi quyết định tiêm cho con.
- Lúc 6 tháng, em đã cho cháu tiêm mũi viêm màng não do não mô cầu BC. Cháu có cần tiêm nhắc lại hoặc tiêm mũi khác hay không?
- Mũi vaccine BC sẽ giúp phòng ngừa vi khuẩn não mô cầu nhóm huyết thanh B và C. Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu đầy đủ để xác định chính xác được các nhóm huyết thanh vi khuẩn chủ yếu nào gây bệnh do não mô cầu nhưng ở nước khác lại có thể có những nhóm huyết thanh vi khuẩn não mô cầu khác. Vì vậy, phụ huynh nên tiêm những loại vaccine có độ bao phủ rộng hơn và theo chỉ định. Tùy theo loại vaccine sẽ có thời gian bảo vệ khác nhau. Vaccine cộng hợp có hiệu quả kéo dài hơn so với vaccine polysaccharide.
- Nắng nóng thế này thì khả năng mắc bệnh này có cao không thưa bác sĩ?
- Khi trời nắng nóng, chúng ta thường có xu hướng ở trong phòng kín và bật máy điều hòa thường xuyên. Khi từ trong phòng lạnh bước ra trời nóng bên ngoài, thay đổi đột ngột về nhiệt độ sẽ làm niêm mạc đường hô hấp không thích nghi kịp, bị tổn thương hoặc bị khô chất nhầy, làm tăng nguy cơ xâm nhập của các tác nhân gây bệnh vào cơ thể hơn và khiến trẻ nhiễm bệnh. Các bậc cha mẹ muốn đưa trẻ từ môi trường điều hòa sang môi trường tự nhiên nên lưu ý những bước đệm để giúp trẻ thích nghi dần giữa hai môi trường. Phụ huynh nên tránh mọi trường hợp thay đổi môi trường quá đột ngột để giúp giảm thiểu nguy cơ tổn thương niêm mạc đường hô hấp, từ đó, giảm nguy cơ mắc bệnh ở trẻ.
Các bậc cha mẹ cũng nên chú ý đến thời điểm giao mùa. Giao mùa là lúc nhiệt độ và độ ẩm phù hợp để các tác nhân gây bệnh phát triển. Theo nghiên cứu, vào khoảng 23-25 độ thì các loại virus, vi khuẩn rất dễ phát triển và phát triển rất nhanh. Trong thời điểm giao mùa vì sợ con nhiễm lạnh nên cha mẹ thường đóng kín cửa khiến cho lưu thông không khí kém, nhất là trong phòng nhỏ thì tác nhân gây bệnh xuất hiện khá nhiều. Trong thời điểm giao mùa, cha mẹ cân nhắc các thời điểm phù hợp để mở cửa các phòng có em bé để giúp không khí lưu thông nhằm giảm các tác nhân gây bệnh.
Một đặc điểm của các bệnh gây ra bởi vi khuẩn, virus là lây qua đường hô hấp. Các thói quen như rửa tay, vệ sinh mũi, vệ sinh họng... làm giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ. Các biện pháp này kết hợp với tiêm phòng vaccine giúp trẻ được bảo vệ an toàn hơn.
- Lịch tiêm vaccine viêm màng não do não mô cầu cho trẻ như thế nào?
- Hiện nay, có hai loại vắc xin ngừa viêm màng não do não mô cầu tại Việt Nam. Vaccine polysaccharide có thể tiêm khi trẻ từ đủ 6 tháng phòng bệnh não mô cầu 2 nhóm huyết thanh B và C; hai là vaccine tứ giá cộng hợp tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi phòng bệnh do não mô cầu 4 nhóm huyết thanh là A,C,W và Y.
Vì công nghệ sản xuất vaccine tiến bộ rất nhanh và để tránh trường hợp quên tiêm phòng, ở những độ tuổi khác nhau các bậc cha mẹ nên đưa con đến chuyên gia y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác hơn. Nếu có thêm loại vaccine mới có thể ngừa được nhiều nhóm huyết thanh hơn, giúp phòng bệnh hiệu quả hơn, phụ huynh cũng nên cân nhắc thay đổi chứ không nhất thiết phải dùng xuyên suốt một loại.
- Bác sĩ có những lưu ý nào để các bậc cha mẹ bảo vệ con khỏi căn bệnh này?
- Bệnh viêm màng não do não mô cầu rất nguy hiểm. Các bậc cha mẹ nên tìm hiểu và đọc thông tin y tế ở những nguồn đáng tin cậy và có bảo trợ về mặt chuyên môn như website của Bộ Y tế, Cục Y tế Dự phòng hoặc website Bệnh viện Nhi Trung Ương, Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM hoặc các địa chỉ tin cậy khác... để đảm bảo độ chính xác. Bố mẹ không nên tự giải thích hoặc kết luận bất cứ điều gì mà không tham khảo tư vấn từ các chuyên gia y tế.
Để phòng viêm màng não do não mô cầu, quan trọng nhất vẫn là tiêm vaccine, không có lứa tuổi nào là muộn để tiêm vaccine phòng bệnh. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cần phải theo dõi trẻ sát sao để phát hiện kịp thời. Nếu không may mắc bệnh, phải xem những ai tiếp xúc với mình để cảnh báo và cách ly ngay lập tức, để đề phòng bệnh lây lan.
Độc giả có thể xem lại video chương trình tư vấn trực tuyến "Viêm màng não do não mô cầu - Chủ quan là mất mát" tại đây.
Ngọc An