"Trước đây tôi sống ở Gò Vấp (gần cầu Tân Thới Hiệp, quận 12, TP HCM), cơ quan ở gần Landmark 81 (Bình Thạnh). Mỗi ngày đi làm thường mất ít nhất hai tiếng (cho cả chiều đi và về), rất là mất thời gian.
Bây giờ tôi đã chuyển sang Bình Thạnh ở, mỗi ngày vẫn phải qua lại Ngã tư Hàng Xanh huyền thoại kẹt xe.
Tôi nghĩ thành phố cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông hơn, nhanh chóng triển khai gấp rút hơn nữa giao thông đô thị như metro...
Nhìn sang Tokyo - nơi có mật độ dân số đông nhất thế giới nhưng hiếm khi thấy kẹt xe trên đường mà thèm".
Độc giả nickname Yusaku chia sẻ như trên, theo đó vì không muốn mất hai tiếng mỗi ngày do kẹt xe nên đã dời về ở gần công ty, thế những vẫn chịu cảnh ùn tắc giao thông.
Chia sẻ này được viết sau bài Ám ảnh giờ tan tầm của người nước ngoài ở Việt Nam: với nhiều người nước ngoài, mưa và kẹt xe là bộ đôi hủy diệt giờ tan tầm ở TP HCM.
Độc giả Poppy nhấn mạnh tác hại của tắc đường và ô nhiễm đến sức khỏe và kinh tế xã hội: "Người Việt còn sợ nữa là người nước ngoài. Tắc đường, kẹt xe, ngập nước đang tiêu tốn vài chục triệu giờ công lao động mỗi ngày.
Người nào nhà gần cũng mất chừng 1 tiếng mỗi ngày chôn chân trên đường cả chiều đi và về, nhà xa có thể là 2-3-4 tiếng. Nhân lên với số người tham gia lao động sẽ là con số lãng phí giờ công lao động xã hội khủng khiếp.
Chưa kể việc hít khói bụi, dầm trong nước bẩn khiến sức khỏe ảnh hưởng, tăng các bệnh hô hấp, da liễu, tim mạch, stress... làm tăng thêm chi phí y tế.
Nói chung là tắc đường, ngập nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, tổn hại cả thể chất và tinh thần người dân, cho nền kinh tế".
Độc giả Quang Dũng nói:
"Mỗi người mang theo một chiếc xe máy vào nội thành... nhìn thôi đã thấy ngộp rồi. Hạ tầng nào chứa cho hết số xe này chứ? Nếu tất cả họ đi xe buýt, taxi đỡ biết mấy".
Độc giả Hoàng Thanh cho biết nhìn từ thực tiễn, khả năng thay thế xe cá nhân bằng giao thông công cộng chưa hiệu quả:
"'Nếu tất cả đi xe buýt, taxi thì đỡ biết mấy' - Lý thuyết của bạn thì hay đấy, nhưng thực tiễn thì không thể. Đơn giản là xe buýt không đủ thay thế cho hơn 5 triệu chiếc xe máy ở mỗi hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn.
Cho dù giảm con số đó xuống một nửa thì vẫn cần đến vài chục ngàn chiếc xe buýt. Trong khi thực tế hiện tại là Hà Nội có chưa tới 3 ngàn chiếc, Sài Gòn còn ít hơn nữa. Xe không đủ, tuyến đi thì ít.
Nếu bạn có nhu cầu đi lại thường xuyên mỗi ngày thì bạn có muốn bỏ xe máy đi xe buýt với tình trạng như hiện tại không? Còn taxi thì không phải ai cũng có thu nhập tốt để mà đi mỗi ngày hay thường xuyên.
Nếu Việt Nam có hệ thống giao thông công cộng tốt như ở Singapore, Đức, Thụy Sĩ, Áo (là các nước tôi đã từng làm việc một thời gian dài trước đây) đủ metro, xe buýt thì chẳng mấy ai muốn sử dụng xe cá nhân đâu".
Trong khi đó, độc giả TOm TOm nhấn mạnh vấn đề thói quen và điều kiện thực tế làm khó khăn cho việc thúc đẩy giao thông công cộng:
"Vấn đề ở Việt Nam không chỉ nằm ở hạ tầng, mà nằm ở thói quen và điều kiện thực tế.
Tình trạng tắc đường chỉ có thể giải quyết bằng việc công cộng hóa giao thông. Việc đưa vào hệ thống vận chuyển đô thị như xe buýt, tàu metro đô thị... mới là vấn đề cốt lõi.
Nhưng ngay cả khi hệ thống giao thông này đưa vào vận hành thì một vấn đề nữa là thói quen của người dân mình có chấp nhận thay đổi hay không.
Như các nước khác, họ có thể đi bộ cả trăm mét, thậm chí cả km để đón chuyến một phương tiện công cộng, nhưng việc này đối với người dân mình thì có vẻ sẽ khó khăn, vừa là do thói quen tiện lợi của xe máy đã gắn sâu vào đời sống.
Thêm vào đó, vừa do điều kiện thời tiết khí hậu của nước mình khá là khắc nghiệt, nắng nóng, mưa nhiều, không thuận tiện cho việc đi bộ như vậy.
Chắc chắn không một hệ thống giao thông công cộng nào có thể tiếp cận đến gần ngay cửa nhà người dân cả".
Hữu Nghị tổng hợp