Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Body Image. Theo đó nhà khoa học tại Đại học Griffith, Australia đã theo dõi 15.000 người tuổi từ 18 đến 94 trong 6 năm để đánh giá mức độ hài lòng của họ với hình ảnh cơ thể mình.
Kết quả cho thấy sự hài lòng về vẻ ngoài cơ thể "tăng lên rất nhẹ" trong suốt cuộc đời của một người phụ nữ, đặc biệt là "từ khoảng 60 trở đi". So với phụ nữ thì nam giới "có mức độ hài lòng về cơ thể ổn định hơn trong suốt cuộc đời".
Cụ thể, phụ nữ từ 19 đến 24 tuổi thường không hài lòng về hình thể của mình. Họ hài lòng hơn nhiều với vẻ ngoài của mình khi bước vào tuổi 60. Đàn ông giảm tự tin nhất trong độ tuổi từ 29 đến 34 và từ 44 đến 49. Nhưng tự tin bắt đầu tăng lên khi gần đến sinh nhật lần thứ 60 và tiếp tục tăng sau đó. "Nghiên cứu này trùng khớp với các nghiên cứu trước đây cho thấy phụ nữ ít coi trọng đánh giá ngoại hình khi có tuổi", nghiên cứu viết.
Các chuyên gia cho rằng, thái độ với vẻ đẹp lý tưởng là mấu chốt của việc thay đổi cách nhìn nhận của chúng ta về cơ thể mình qua thời gian. Ở thời trẻ, áp lực có thân hình hoàn hảo là nguyên nhân khiến cả nam giới lẫn nữ giới tự ti. Song áp lực này giảm dần khi đến độ tuổi chín chắn vì nhận ra sức khỏe quan trọng hơn vẻ ngoài.
Nghiên cứu này cũng tìm ra chuẩn mực cái đẹp thay đổi nhanh chóng khiến phụ nữ khó cảm thấy hài lòng với vẻ ngoài khi còn trẻ. "Cân nặng của thí sinh chiến thắng trong cuộc thi sắc đẹp Mỹ liên tục giảm từ năm 1958-1988. Hình ảnh các playboy cũng ngày càng trở nên mảnh mai từ năm 1959-1988".
Trong những năm gần đây, lý tưởng ngoại hình ngày càng tăng khi các phương tiện truyền thông làm tôn lên cơ thể đẹp là cơ thể gầy và cũng rất cơ bắp. "Phụ nữ ngày càng tiếp cận nhiều hình mẫu cơ thể gầy, săn chắc và cũng ngày càng xa rời hình mẫu bình thường hơn bao giờ hết". Mặc dù cũng có trào lưu tự hào với cơ thể tự nhiên, song sức ảnh hưởng cộng đồng vẫn còn rất hạn chế.
Bảo Nhiên (Theo Independent)