Tháng 3/2020, Gao, 26 tuổi, đi làm mũi lần thứ 4. Đã trải qua nhiều lần phẫu thuật thẩm mỹ nên Gao cảm thấy khó dừng lại. "Tôi chỉ nghĩ rằng mình càng làm nhiều sẽ càng xinh đẹp", Gao, người có đôi mắt sâu và chiếc cằm nhọn, vốn là kết quả của các thủ thuật thẩm mỹ, nói.
Lần này một bác sĩ thẩm mỹ ở Tô Châu được "chọn mặt gửi vàng" để làm chiếc mũi thanh tú hơn. Trong hồ sơ gửi cho tờ Sixth Tone, kế hoạch của bác sĩ là dùng sụn và mô từ tai và vật liệu nhân tạo. Khi phẫu thuật xong, cô nhận ra bác sĩ chưa hề chạm vào tai mình. Nhưng vì hài lòng với kết quả, Gao không quá để tâm.
Tám tháng sau mũi của Gao bị sưng tấy. Hoảng sợ, cô muốn phòng khám giúp mình tháo bỏ nếu cần thiết. Song cô gặp phải một kết cục quen thuộc đối với những bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ Trung Quốc. Phòng khám này từ chối thừa nhận bất kỳ sai sót nào hoặc đưa ra một giải pháp thỏa đáng. Giờ Gao đang đối mặt với một quá trình pháp lý dài và khó khăn để kiện cơ sở này.
Tình trạng như Gao không phải hiếm. Người Trung Quốc ngày càng quan tâm tới ngoại hình và các tiêu chuẩn sắc đẹp, đồng thời thiếu bác sĩ chuyên môn. Kết quả, dẫn đến nhiều phòng khám chui và nhiều người gặp rủi ro.
Công ty nghiên cứu thị trường iResearch dự đoán, vào năm 2023, thị trường phẫu thuật thẩm mỹ của Trung Quốc sẽ đạt doanh thu 46 tỷ USD và phục vụ cho hơn 25 triệu người. Năm 2019, nước này có hơn 80.000 phòng khám bất hợp pháp, so với chỉ 13.000 hợp pháp. Ngay cả trong các hoạt động hợp pháp, mọi thứ không phải lúc nào cũng diễn ra theo danh mục đăng ký. 15% các phòng khám và bệnh viện thực hiện các thủ thuật mà họ không được chứng nhận. Trong khi đó, nhiều khách hàng đánh giá thấp rủi ro và mức độ khó khăn của các ca phẫu thuật thẩm mỹ.
Kết quả là số lượng tranh chấp tăng vọt. Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc cho biết, vào năm 2019 số lượng khiếu nại về phẫu thuật thẩm mỹ mà họ nhận được đã tăng hơn 10 lần so với 2015.
Gao bắt đầu nghĩ đến việc "đập đi xây lại" khuôn mặt vào năm 2014. Bạn cô, một nhân viên thẩm mỹ viện, đã nói với Gao rằng ngoại hình của cô là hoàn mỹ, ngoại trừ mũi. Lần đầu tiên cô thử tiêm axit hyaluronic vào cằm và mũi. Nhưng nó chỉ có tác dụng tạm thời và việc tiêm thuốc thường xuyên quá tốn kém.
Từ 2016 đến 2018, Gao đã trải qua ba ca phẫu thuật nâng mũi và ba phẫu thuật cắt mí, cũng như một số liệu pháp căng da. Mặc dù kết quả không phải lúc nào cũng hoàn toàn hài lòng, cô vẫn thấy như thế là chưa đủ. Cô đã nghĩ nếu có gì đó chưa ổn, một cuộc phẫu thuật khác sẽ sửa chữa nó.
Tận lần làm mũi thứ tư bị nhiễm trùng và biến chứng, cô mới ân hận. Gao đã 8 lần đến nơi đã phẫu thuật cho mình để thương lượng về cách khắc phục. Nhưng điều duy nhất họ nói, ngay cả khi cô mang theo một nhà báo, là phải dùng thuốc kháng sinh trong suốt phần đời còn lại. "Câu trả lời vô cảm của họ khiến tôi vô cùng ức chế", Gao nói.
Vào tháng 1, người đứng đầu cơ sở làm đẹp này nói với tờ báo địa phương rằng bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cho Gao đã nghỉ việc và "trong mọi trường hợp bác sĩ sẽ khó nhớ các chi tiết cụ thể của một ca phẫu thuật cụ thể". "Nếu trong hồ sơ y tế có ghi sụn được lấy từ tai thì tôi tin rằng bác sĩ phẫu thuật đã thực sự làm điều đó", người này nói.
Vài tháng qua Gao đã gửi đơn kiện khắp nơi không nhận được hồi âm. Các cộng đồng trên mạng dành cho nạn nhân phẫu thuật thẩm mỹ cũng không hiệu quả. Trong một group trò chuyện chỉ có 2 trong số hơn 300 thành viên cho biết họ đã nhận được bồi thường. Gao nói: "Họ sử dụng các phương pháp cực đoan để buộc các phòng khám phải nhượng bộ, chẳng hạn như giả vờ nhảy ra khỏi cửa sổ, hoặc khóc lu loa trong hành lang".
Cô đã dùng kháng sinh trong 2 tháng, khiến đầu luôn cảm giác "trên mây" và mặt sưng. Gao phải nhốt mình trong nhà và có ý định tự tử. Cô gái quyết tâm loại bỏ khối nhiễm trùng khỏi mũi, nhưng các bác sĩ đều từ chối phẫu thuật vì sợ bị đổ lỗi nếu có rủi ro. Hồi đầu năm, một bác sĩ bệnh viện công đồng ý giúp cô và thông báo chỉ tìm thấy sụn, không thấy vật liệu nhân tạo như bệnh viên ban đầu tuyên bố. Gao nghi ngờ phòng khám đã thay sụn của người khác để phẫu thuật cho cô.
Vào tháng 2, ngay sau khi Gao được tháo sụn, nữ diễn viên Trung Quốc Gao Liu đã công khai sự cố phẫu thuật thẩm mỹ của mình. Cô chia sẻ những bức ảnh với hàng triệu người theo dõi cho thấy đầu mũi đen như bị lửa thiêu rụi. Sự tương đồng giữa người nổi tiếng và mình khiến Gao bị sốc. "Tôi thật may mắn vì đã quyết liệt phải phẫu thuật loại bỏ nhiễm trùng", cô nói.
Thông thường, mất vài tháng mới định hình sau phẫu thuật. Điều này có thể khiến một số khách hàng khó phân biệt liệu họ có bị làm sai hay không. Trong nhiều năm, Ma Jing đã không biết rằng mọi thứ đã không diễn ra như bình thường khi cô đụng dao kéo khoảng một thập kỷ trước để phẫu thuật tạo mắt hai mí.
"Khi tôi đang nằm trên bàn mổ, hai bác sĩ bước vào. Khi họ bắt đầu, tôi nghe nói người trẻ hơn hỏi bác sĩ lớn tuổi cho mọi bước tiếp theo", Ma, hiện 33 tuổi, nhớ lại. Đó là ca phẫu thuật thẩm mỹ đầu tiên của cô, tại một bệnh viện công uy tín ở Hà Nam.
Theo thời gian mắt mắt cô không đối xứng. Mí trái sụp và đôi khi che tầm nhìn. Sự bối rối của cô khiến mọi người chú ý. "Ngay cả bạn của bạn bè cũng nhìn ra mắt tôi có vấn đề. Thật xấu hổ", cô kể. Sau này cô mới biết thì đã quá muộn. Cô đã nói bệnh viện làm sai, nhưng vô ích.
Không giống như Gao, Ma không muốn kiện cáo, chỉ muốn mắt mình bình thường trở lại. Tuy nhiên với thu nhập không ổn định từ cửa hàng đồ sơ sinh, cô không có khả năng chi trả 20.000-30.000 tệ cho ca phẫu thuật khác. Vì vậy cô cam chịu ngụy trang cho đôi mắt.
"Để làm cho chúng trông giống nhau, tôi vẽ eyeliner đậm hơn, sử dụng kính lọc khi chụp ảnh và luôn ý thức phải trợn mắt lên", Ma nói. Nhưng ngay cả khi cô đã thành thạo các tuyệt chiêu này, vẫn có những người bạn phát hiện ra sự bất đối xứng.
Cô Sun, 28 tuổi cũng có trải nghiệm tương tự. Cô đã trải qua ca phẫu thuật cắt mí đầu tiên ở quê nhà vào năm 2017 tại một phòng khám "nhìn có vẻ chuyên nghiệp". Cô đã chi 2.000 tệ - cao hơn so với bạn bè - nên càng tăng thêm tự tin. Một nhân viên phòng khám hứa sẽ bảo hành nếu không hài lòng.
Tuy nhiên khi kết quả thất vọng, họ không làm như lời hứa. Mãi sau tìm thấy một phòng khám ở Bắc Kinh thì Sun đã phải chi 20.000 tệ cho ca phẫu thuật thứ hai. Lúc đầu, đôi mắt đẹp hơn, nhưng giờ thì vẫn không đồng đều. Cô không phẫu thuật lần thứ ba, vì bên cạnh nỗi lo không biết có tìm được bác sĩ uy tín, còn là tiền bạc.
Ai Xiaoyu, nhân viên của SoYoung, một trong những cộng đồng trực tuyến lớn nhất Trung Quốc dành cho bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ, cho biết: "Chúng tôi phát hiện rằng hơn 80% trường hợp phẫu thuật bất hợp pháp bị sai, không thể sửa chữa. Họ sẽ bị dị tật trong suốt quãng đời còn lại và nhiều người trong số họ đã phải chịu những tổn thương tâm lý rất lớn khiến họ không dám nằm trên bàn mổ nữa". Tổ chức này đã khởi xướng dự án phi lợi nhuận vào tháng 5/2020 để giúp đỡ các nạn nhân. Đến nay họ nhận được 440 đơn đăng ký và trả tiền phẫu thuật cho 25 người.
Sun là một trong số này. Cô đã được phẫu thuật vào tháng Giêng. "Tôi chỉ muốn có một đôi mắt bình thường, để không ai có thể cười nhạo tôi nữa", Sun nói. Hiện cô đang hồi phục và vẫn chưa chắc chắn liệu mình có đạt được mục tiêu hay không.
Còn Ma cho rằng mọi người nên khoan dung hơn với những ngoại hình không tuân theo lý tưởng. Nguyên nhân ban đầu khiến Ma muốn thẩm mỹ là vì mẹ suốt ngày cằn nhằn về hình thức của cô.
Gao, người có mũi bị nhiễm trùng, cũng nhìn nhận các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ theo một khía cạnh khác. "Sau ngần ấy năm, tôi cuối cùng nhận ra rằng thực sự không cần thiết phải trải qua quá nhiều cuộc phẫu thuật. Ví như làm mũi, khiến tôi luôn lo lắng khi đi bar sẽ bị bàn tay của ai đó đập vào". Bây giờ, mũi của cô gần như đã trở lại bình thường, mặc dù to hơn ban đầu. Tất cả những nỗ lực để cải thiện ngoại hình của cô đã tiêu tốn tổng cộng 400.000 nhân dân tệ (1,4 tỷ đồng).
Nhưng Gao vẫn chưa dùng lại. Cô mới xăm lông mày, mí mắt và môi. Song khi nhận ra trên phố ai cũng như ai, cô đang nghĩ cần làm gì đó cho mình nổi bật hơn. "Gần đây tôi đang cân nhắc việc xăm một nốt ruồi. Tôi nghĩ sẽ cạo bớt lông mày và xăm lên đó, cho thấy sự giàu có", cô nói.
Bảo Nhiên (Theo Sixthtone)