Gần đây, một số bài viết thể hiện tâm tư cho tuổi già xuất hiện. Nhưng vợ chồng tôi đã có dự tính cho tuổi già từ vài năm trước, khi chúng tôi 37 tuổi.
Khi chia sẻ tâm tư này cho vài người bạn, họ cười bảo tôi lo xa, bốn mươi chưa phải là già, lo làm gì cho nhọc mình. Nhưng kỳ thực, U40, U50 chưa già, nhưng không còn trẻ nữa.
Vợ chồng tôi thu nhập mỗi năm tính luôn tiền lương và tiền kinh doanh nhỏ thì số tiền kiếm được dao động từ 600-800 triệu cho gia đình ba người (chúng tôi có một con). Tức thu nhập hàng tháng vào khoảng 50-70 triệu. Sau mỗi một năm, chúng tôi tự động trích 120 triệu đồng (mỗi tháng 10 triệu) vào quỹ tuổi già. Tiền này là tiền lo xa cho tuổi già.
Cổ nhân có câu: Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu - Người không lo xa, ắt có buồn gần. U40, 50 là độ tuổi chuyển tiếp từ trung niên sang lão niên, nếu không bắt đầu lo từ bây giờ thì lúc nào? Đời người thoáng chốc đến tuổi già, mình không lo cho mình từ bây giờ, thì đợi đến lúc nào và đợi ai lo cho mình?
Tôi thấy, trong các khoản chi tiêu tài chính của nhiều người, khoảng thời gian tính toán rất ngắn hạn. Thời gian tính bằng tháng, dựa theo kỳ lương: nào tiền nhà, tiền nuôi con, tiền sinh hoạt phí, tiền điện nước... Và nhiều người chưa có ý thức để dành một khoản phòng riêng dài hạn cho tuổi già.
Tuổi già bệnh tật, không làm ra tiền, thì một đồng cũng quý. Có thể nhiều bạn thắc mắc nếu cứ tiết kiệm tiền trong thời gian dài như vậy thì sợ tiền mất giá. Đó là lỗi của bạn, mỗi năm để dành tiền cho tuổi già thì phải đi đôi với việc chống mất giá do lạm phát. Có thể gửi tiền vào vàng, hoặc tích luỹ năm ba năm rồi về quê mua miếng đất nhỏ... chẳng hạn, nhưng bắt buộc mỗi năm phải có khoản tiền cho danh mục tuổi già.
Tâm Nguyễn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.