Tham gia ngày hội việc làm cho lao động trở về từ Hàn Quốc, Nhật Bản tại Hà Nội ngày 8/11, bà Dương Hồng Vân, phụ trách nhân sự của doanh nghiệp chuyên về mạ phủ linh kiện ở Thái Nguyên tìm người cho ba vị trí phiên dịch, kế toán và quản lý sản xuất.
Sau ba tiếng phỏng vấn, bà Vân tìm được người phù hợp với vị trí kế toán, cân nhắc ứng viên quản lý sản xuất bởi chỉ biết sơ qua tiếng Hàn. Riêng phiên dịch thì không ai đạt yêu cầu dù đây là vị trí được kỳ vọng nhất trước khi xuống Hà Nội. Công việc cần người giỏi ngoại ngữ dể dạy tiếng Việt cho nhân viên người Hàn và dạy tiếng Hàn cho bộ phận văn phòng để giao tiếp với đồng nghiệp. Doanh nghiệp FDI có hơn 1.000 lao động, trong đó nhiều nhân sự người Hàn.
Từ hai tháng trước, doanh nghiệp đăng tuyển phiên dịch qua các kênh nhưng chỉ nhận được CV tầm trung. Một số ứng viên đáp ứng đúng tiêu chí công ty lại sống ở Hà Nội, chỉ đi làm khi có xe đưa đón hai chiều từ Thủ đô lên Thái Nguyên và về trong ngày. Một số vừa tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ nhưng năng lực chưa thỏa mãn yêu cầu.
Đến hội chợ, doanh nghiệp hy vọng tuyển được phiên dịch viên, nhưng người đến phỏng vấn đa phần là công nhân kỹ thuật từng đi làm việc tại Hàn Quốc, chỉ giao tiếp được các câu cơ bản. "Công ty vẫn sẽ tuyển vị trí này từ nay đến Tết, hy vọng sớm tìm được trong những phiên tiếp theo", bà Vân nói, tiết lộ mức lương dao động 20-30 triệu đồng.
Bàn bên, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, quản lý của Công ty Dongguk chuyên về sản xuất găng tay cao su, tuyển quản lý xưởng sản xuất, kỹ sư quản lý điện máy và nhân viên văn phòng. Trong buổi sáng, chị lưu thông tin của ba ứng viên quản lý điện máy để sếp cân nhắc lựa chọn. Mức lương dao động 10-15 triệu đồng, làm việc ở Phú Thọ. Công việc cần tiếng Hàn cơ bản cùng kinh nghiệm quản lý chung, song lao động chủ yếu thành thạo sửa chữa máy móc. Riêng nhân viên văn phòng và quản lý xưởng chưa tìm được ai phù hợp.
"Có những người thỏa thuận được về công việc thì lại chưa khớp được mức lương", chị nói, giải thích thêm mức doanh nghiệp đưa ra là mặt bằng chung ở Phú Thọ nên khó đòi hỏi cao hơn hoặc bằng với các đô thị lớn như Hà Nội.
Chị Hằng thừa nhận lần tuyển dụng này chủ yếu tìm nhân viên kỹ thuật, đòi hỏi tay nghề, biết tiếng Hàn là lợi thế. Nếu tìm người thành thạo ngoại ngữ như phiên dịch văn phòng hoặc nhà xưởng sẽ là thách thức, khó kỳ vọng dù người về từ Hàn Quốc ứng tuyển rất đông. Vì họ phần lớn là lao động phổ thông, giao tiếp cơ bản khó đáp ứng yêu cầu phiên dịch.
"Tìm được người vừa giỏi tiếng Hàn vừa thành thạo kỹ thuật rất khó. Người biết tiếng lại không đáp ứng kỹ thuật và ngược lại", chị Hằng đánh giá.
May mắn hơn đồng nghiệp, bà Lê Ngọc Thảo, phụ trách nhân sự doanh nghiệp FDI Hàn Quốc chuyên về lắp ráp ATM đóng tại Bắc Ninh, đã tìm được ứng viên cho vị trí nhóm trưởng và tổ trưởng sản xuất. Những công việc này yêu cầu về kỹ thuật và không đòi hỏi cao về ngoại ngữ, chỉ cần biết cơ bản tiếng Hàn. Bà không tiết lộ mức lương mà hai bên sẽ tự thỏa thuận. Lao động tuyển về vẫn sẽ đào tạo thêm để phù hợp với từng vị trí, quy trình sản xuất của công ty.
Theo bà Thảo, người hồi hương từ Hàn Quốc là kênh cung cấp lao động có tay nghề phù hợp với công việc vận hành máy, kỹ thuật viên trong phân xưởng - những vị trí cần kỹ năng mà người mới tốt nghiệp đại học trong nước chưa có. Với công việc yêu cầu ngoại ngữ tốt, rất ít người có thể đáp ứng.
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), bình quân mỗi năm khoảng 7.000 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản hồi hương. Chưa có thống kê chính thức số người tìm được việc làm sau khi về nước, song một phần trong số này đã ứng tuyển vào các công ty FDI Hàn Quốc, Nhật Bản. Những doanh nghiệp đang mở rộng quy mô sản xuất tại miền Bắc có nhu cầu tuyển người vừa biết việc vừa biết tiếng. Phiên mới nhất đầu tháng 11 kết nối 45 doanh nghiệp FDI với 1.300 vị trí chủ yếu về quản lý sản xuất, phiên dịch, biên dịch, kỹ thuật CNC, sản xuất điện tử.
Song theo các nhà quản lý, rào cản lớn nhất với người hồi hương vẫn là ngoại ngữ và kỹ năng công việc - những yếu tố thách thức trong hành trình tìm kiếm việc làm mới.
Anh Đào Ngọc Hùng, quê Nghệ An, người từng đi làm việc theo Chương trình EPS tại Hàn Quốc nhiều năm, chia sẻ về nước vẫn sẽ là lựa chọn của phần lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Dù khởi nghiệp hay tìm kiếm cơ hội trong các doanh nghiệp FDI thì họ vẫn cần đặt mục tiêu học ngoại ngữ, củng cố kiến thức chuyên ngành ngay khi còn ở xứ người.
Từng đậu đại học nhưng anh Hùng chọn xuất khẩu lao động. Trước khi sang Hàn Quốc, anh học cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật để có kiến thức nền. Những ngày đầu chưa thạo tiếng, nhưng nhờ có hiểu về kỹ thuật nên anh được giao vận hành máy, rồi lên tổ trưởng, quản đốc phân xưởng gần 30 người Việt lẫn Hàn Quốc. Anh sau đó lần lượt vượt qua các kỳ thi lấy chứng chỉ tiếng Hàn và mở doanh nghiệp chuyên cung cấp thiết bị điện tử Hàn Quốc sau khi trở về nước.
"Vừa học tiếng Hàn vừa bồi dưỡng thêm một chuyên ngành nào đó, thay vì chỉ làm một ngày tám tiếng", anh chia sẻ, định hướng những người đi sau có thể lấy bằng đại học qua các chương trình học online.
Hồng Chiêu