Suy giãn tĩnh mạch và bệnh trĩ là hai bệnh lý khá phổ biến, có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi. Hai căn bệnh này thường ít nguy hiểm nhưng dễ tiến triển nặng hơn nếu để lâu ngày, gây khó khăn cho điều trị và tốn kém về kinh tế.
PGS.TS.DS Nguyễn Tuấn Dũng - nguyên Trưởng Bộ môn Dược lâm sàng Đại học Y Dược TP HCM cho biết, bệnh trĩ và suy giãn tĩnh mạch chi dưới đều xảy ra do nguyên nhân liên quan đến tĩnh mạch. Thông thường, giãn tĩnh mạch hình thành ở chân, nhưng chúng cũng có thể xuất hiện ở các bộ phận khác của cơ thể. Khi giãn tĩnh mạch hình thành trong trực tràng và gặp các yếu tố nguy cơ sẽ gây ra các triệu chứng như chảy máu, đau, sa trĩ... chúng được gọi là bệnh trĩ.
"Các tĩnh mạch có van một chiều giúp máu lưu thông về tim. Áp lực hoặc sự suy yếu của các van này tạo điều kiện cho máu trào ngược trở lại và tích tụ trong các tĩnh mạch. Điều này gây ra các phản ứng viêm do ứ trệ tuần hoàn, dẫn tới đau, sưng, nặng chân. Về lâu dài các tĩnh mạch chi dưới giãn ra và hậu quả có thể rất khó lường như loét, thuyên tắc huyết khối. Bệnh trĩ là kết quả khi các tĩnh mạch trực tràng bị sa, chảy máu, đau, sưng", PGS.TS.DS Nguyễn Tuấn Dũng giải thích thêm.
Bệnh trĩ có thể phát triển do áp lực quá mức ở vùng chậu và trực tràng, có thể trở nên tồi tệ hơn, nhất là khi bị táo bón. Tiêu chảy và táo bón tạo áp lực quá mức lên các tĩnh mạch. Tăng cân và mang thai cũng là yếu tố tăng nguy cơ và làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh trĩ.
PGS.TS.DS Nguyễn Tuấn Dũng chia sẻ thêm, suy giãn tĩnh mạch có xu hướng trẻ hóa do công việc, lối sống và thói quen cộng đồng ngày càng ít vận động, tĩnh tại. Ngồi hoặc đứng ở một tư thế trong thời gian dài dẫn đến máu bị ứ trệ ở chi dưới. Điều này có thể dẫn đến các dấu hiệu đầu tiên của bệnh suy giãn tĩnh mạch là đau, sưng, nặng chân hoặc chuột rút về cuối ngày.
Kết quả nghiên cứu gần 5.620 người đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ cho thấy, có hơn 50% bệnh nhân suy tĩnh mạch có triệu chứng trĩ cấp. Hiểu rõ hơn về hai căn bệnh này sẽ giúp người bệnh nhận diện, điều trị đúng cách và phòng ngừa tái phát.
Để tư vấn và cung cấp thông tin giúp bệnh nhân kiểm soát bệnh, công ty Servier Việt Nam và Trung Sơn Pharma đã tổ chức chuỗi hoạt động đào tạo, cập nhật kiến thức và nâng cao kỹ năng tư vấn cho đội ngũ dược sĩ. Chương trình được triển khai đến đội ngũ dược sĩ trong hệ thống nhà thuốc Trung Sơn nhằm nâng cao kỹ năng tư vấn cho đội ngũ dược sĩ để tiếp cận với người dân gần hơn.
Chương trình đào tạo tư vấn có sự phối hợp của các bác sĩ, dược sĩ tham gia hướng dẫn, giảng dạy như PGS.TS.DS Nguyễn Tuấn Dũng - nguyên Trưởng Bộ môn Dược lâm sàng Đại học Y Dược TP HCM; PGS.TS.BS. Phạm Văn Năng - Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược Cần Thơ, Trưởng khoa Ngoại Đại học Y Dược Cần Thơ; PGS.TS.DS. Phạm Thành Suôl - Trưởng khoa Dược Bệnh viện Đại học Y Dược Cần Thơ - Phó trưởng khoa Dược trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
Ngọc An
Trung Sơn Pharma hiện có quy mô rộng khắp 14 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm cả TP HCM cùng lực lượng tư vấn hơn 1.000 dược sĩ có chuyên môn. Servier với 28 năm hoạt động tại Việt Nam là đơn vị cung cấp các giải pháp quản lý bệnh mạn tính như suy tĩnh mạch, bệnh trĩ, tăng huyết áp, đái tháo đường và tim mạch. Tham khảo thêm về bệnh trĩ và suy giãn tĩnh mạch tại đây.