Báo cáo thực hiện chính sách việc làm cho thanh niên giai đoạn 2020-2023, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho biết trong 10 năm, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trung bình mỗi năm đạt 6%. Tỷ lệ đã cải thiện, song vẫn còn thấp hơn nhiều các nước cùng khu vực và chênh lệch đang có xu hướng gia tăng.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nguyên nhân là mô hình tăng trưởng của Việt Nam theo chiều rộng, phụ thuộc quy mô vốn lẫn công nghệ. Trong khi đó, đóng góp của khoa học công nghệ vào tăng trưởng còn thấp.
Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động cải thiện chậm. Lao động làm việc khu vực nông nghiệp lẫn phi chính thức lớn, đây là nơi có năng suất và tạo ra giá trị gia tăng thấp. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đang thu hút gần 31% thanh niên làm việc, tiếp đến là công nghiệp xây dựng khoảng 42%. Lao động phi chính thức chiếm gần 69% tổng lực lượng lao động trong độ tuổi.
Già hóa dân số cũng ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động trong tương lai, khi lực lượng lao động thanh niên trong độ tuổi giảm bình quân 170.000 người mỗi năm. Tỷ lệ thanh niên trong cơ cấu dân số cũng đang giảm dần từ 23% năm 2020 xuống còn 21% năm 2022.
Trong khi đó, tỷ lệ thanh niên đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ nhích chậm từng năm, mới đạt trên 29% vào cuối năm 2021. Việt Nam vẫn thiếu hụt lao động có tay nghề lẫn kỹ thuật bậc cao; giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của thị trường.
"Thực trạng trên cho thấy dấu hiệu đáng lo ngại về thế hệ lao động tương lai", Ủy ban Văn hóa Giáo dục đánh giá, cho rằng đây là thách thức lớn trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.
Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Quốc hội chiều 31/10, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Bí thư huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) cũng nhận định năng suất lao động thấp khiến nền kinh tế đối mặt thách thức lớn để bắt kịp khu vực và thế giới. "Cải thiện năng suất lao động là con đường ngắn nhất đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững", ông Phương nói, đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện tình hình năng suất lao động và đề ra giải pháp.
Vấn đề năng suất lao động nhiều lần được các cơ quan quản lý, bộ ngành đưa ra bàn thảo sau khi nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố cho thấy chỉ số này của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể, năng suất của người lao động Việt thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần.
Tới năm 2018, năng suất lao động của Việt Nam cao hơn Campuchia nhưng chỉ bằng 7,3% của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% của Philippines.
Năng suất lao động phản ánh năng lực tạo ra của cải, hiệu suất lao động cụ thể trong quá trình sản xuất, tính bằng số sản phẩm hay lượng giá trị tạo ra trong một đơn vị thời gian hay lượng thời gian để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.
Phương Hà