Suốt thời gian qua, các công ty từ Alibaba đến Tencent đã chi hàng tỷ USD cho hoạt động M&A tại nước ngoài, đồng thời phát triển các ứng dụng và công nghệ thách thức đối thủ phương Tây mà gần như không phải chịu, hoặc chịu rất ít sự can thiệp của giới chức. Nhưng việc Bắc Kinh gần đây siết kiểm soát với Jack Ma và Ant Group sau khi tỷ phú công khai chỉ trích giới chức đã khiến Washington chú ý. Đặc biệt là những quan chức Mỹ từ lâu đã khẳng định không một doanh nhân hay đại gia công nghệ nào của Trung Quốc nằm ngoài tầm kiểm soát của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Các hãng công nghệ Trung Quốc từng làm rất tốt việc thuyết phục nhà đầu tư toàn cầu rằng họ hoạt động độc lập với chính phủ. Tuy nhiên, những gì xảy ra với Jack Ma gần đây khiến điều này bị nghi ngờ.
Giới chức Mỹ gần đây còn đang tranh cãi liệu có nên cấm người Mỹ đầu tư vào Alibaba và Tencent hay không. Đây sẽ là đòn giáng mạnh vào hai công ty trong nhóm được nhà đầu tư toàn cầu tích cực gom cổ phiếu nhất.
Đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm giao dịch với 8 phần mềm Trung Quốc, trong đó có Alipay của Ant và WeChat Pay của Tencent, với lý do Bắc Kinh có thể tiếp cận dữ liệu mà các nền tảng này thu thập được. "Tôi đồng ý với cam kết của Tổng thống về việc bảo vệ quyền riêng tư của người Mỹ khỏi các mối đe dọa từ Trung Quốc", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết. Vì thế, động thái của Bắc Kinh có thể tăng sức ép với chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden, rằng phải có hành động mạnh tay hơn nữa với Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng ông Tập đang củng cố quyền lực trước đại hội đảng năm tới. Năm ngoái, Covid-19 đã giúp ông đáng kể trong việc này, khi ông tung ra các chiến dịch nhằm đưa nền kinh tế quay lại quỹ đạo cũ và ngăn chặn những vấn đề được coi là đe dọa an ninh quốc gia.
"Anh cần phải rất thận trọng với người có quyền kiểm soát cao nhất", Mark Natkin - Giám đốc Marbridge Consulting cho biết, "Nếu anh quên mất điều đó và biến thành người chỉ trích thái quá, hoặc làm thay việc của giới chức, anh sẽ phải nhận hậu quả".
Bắc Kinh đã ra lệnh hoãn IPO của Ant Group. Đây là IPO mà nếu thực hiện được, nó sẽ trở thành mốc son trong danh sách thành tựu của Jack Ma. Ant sau đó còn bị yêu cầu cải tổ hoạt động kinh doanh. Alibaba thì bị điều tra chống độc quyền. Bản thân Jack Ma cũng không xuất hiện trước công chúng từ cuối tháng 10 năm ngoái.
"Chính phủ Trung Quốc vẫn có quyền lực lớn trong cấu trúc kinh tế và quản lý tài chính. Và nếu Ant lấn sang quyền lực đó, quan chức nước này sẽ coi đó là bước đi quá xa", Graham Webster - biên tập viên tại dự án DigiChina thuộc Stanford Cyber Policy Center cho biết, "Nhưng chính phủ Trung Quốc cũng công nhận các công ty này là lực đẩy giúp họ độc lập về công nghệ. Vì thế, họ sẽ phải cân nhắc các mối đe dọa khi kiểm soát các hãng này".
Động thái với Jack Ma là tín hiệu mới nhất cho thấy Bắc Kinh cảm thấy sẵn sàng chấp nhận các hậu quả trên thị trường quốc tế khi áp dụng các biện pháp nhằm giải quyết thách thức trong nước. Trước đó, ông Tập từng bỏ qua lời đe dọa trừng phạt của Mỹ để áp dụng luật an ninh quốc gia tại Hong Kong. Việc hoãn IPO của Ant cũng có thể khiến nhiều tổ chức tài chính lớn của thế giới phật ý, như Carlyle hay quỹ đầu tư quốc gia của Singapore.
Năm ngoái, Mỹ lấy lý do lo ngại về ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc với các công ty tư nhân để buộc ByteDance bán TikTok Mỹ và thuyết phục các đồng minh ngừng dùng sản phẩm của Huawei Technologies. Những người ủng hộ các hành động này trích dẫn nhiều chính sách của Trung Quốc, trong đó có luật năm 2017 quy định các công ty phải "hỗ trợ, hợp tác" với các cơ quan tình báo.
Cũng như Huawei, Ant đến nay vẫn nhấn mạnh sự độc lập so với chính phủ. Năm 2017, trong tài liệu gửi lên giới chức chứng khoán Mỹ, họ khẳng định mình là "công ty tư nhân và dù một số quỹ quốc doanh hoặc có liên quan đến chính phủ sở hữu cổ phần nhỏ, không kiểm soát, những tổ chức này không tham gia vào điều hành công ty".
Tuy nhiên, những động thái gần đây cho thấy sự can thiệp của giới chức Trung Quốc vào các doanh nghiệp đã lên mức độ mới. Điều này càng khiến các quan chức không mấy ưa Trung Quốc tại Washington có thêm lý do để lên tiếng.
Ông Tập cần các lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ để đạt các mục tiêu chiến lược, như "lưu thông kép" - kế hoạch kinh tế tập trung vào tiêu thụ nội địa, phát triển chuỗi cung ứng và giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Dù nền kinh tế lớn nhì thế giới là quốc gia đầu tiên hồi sinh từ Covid-19, sự hồi phục này đang có dấu hiệu chững lại khi tăng trưởng toàn cầu vẫn chậm và quan hệ với Mỹ xuống cấp.
Tháng 7/2020, ông Tập kêu gọi các lãnh đạo tăng cường tinh thần yêu nước và hỗ trợ sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. "Các lãnh đạo kiệt xuất phải cảm nhận rõ về nhiệm vụ và trách nhiệm với quốc gia, đồng thời hướng sự phát triển của doanh nghiệp theo sự thịnh vượng của đất nước và hạnh phúc của người dân", ông nói. Dù vậy, chỉ vài tuần sau, giới chức Trung Quốc công bố các kế hoạch siết kiểm soát lĩnh vực tư nhân.
"Dưới thời Chủ tịch Tập, Trung Quốc đang tăng kiểm soát các hãng công nghệ và tích cực theo đuổi sáng kiến về chủ nghĩa công nghệ yêu nước", nhà nghiên cứu Alex Capri cho biết trong một báo cáo của Hinrich Foundation, "Họ đang răn đe với các lãnh đạo tên tuổi được cho là đang hoạt động độc lập, không theo chỉ đạo hoặc đang trở nên quá quyền lực".
Hà Thu (theo Bloomberg)