Tôi vừa gặp lại một người bạn cấp 3, bạn hỏi: "Đám cưới S, cậu đi bao nhiêu?". Tôi ngạc nhiên: "S đám cưới à? Bao giờ thế?". Bạn tôi đáp: "Cuối tuần rồi". Câu trả lời khiến tôi bối rối vì hoàn toàn không hay biết gì về đám cưới.
Bạn tôi liền lấy điện thoại mở tin nhắn trên Facebook Messenger, chỉ vào dòng chữ: "Đây nè". Tôi vội kiểm tra hòm thư của mình và phát hiện lời mời cưới của S bị rớt vào mục spam.
Khi hỏi thăm, nhiều bạn khác cũng nói rằng nhận được đường link vào nửa đêm, nhưng không dám bấm vì sợ đó là link lừa đảo.
Người bạn của tôi kể thêm: "Hôm đó S mời tầm 15 người là bạn bè trong lớp nhưng chỉ có hai người đến dự". Một số bạn có xem thiệp cưới nhưng cảm thấy lời mời quá hời hợt, không khác gì một thông điệp công nghiệp, được copy-paste gửi hàng loạt. Họ không thấy cần thiết phải tham dự.
Hình thức mời cưới qua thiệp điện tử không còn xa lạ, nhưng cách thức thực hiện vẫn là câu chuyện gây tranh cãi. Thay vì tạo cảm giác trân trọng, một số lời mời lại khiến người nhận cảm thấy bị xem nhẹ. Thiệp mời cưới vốn là sự gắn kết tình cảm, là dịp để mọi người quây quần chúc phúc. Nhưng khi chỉ được gửi qua một tin nhắn lạnh lùng, thiếu lời hỏi thăm hoặc nhấn mạnh tình bạn, người nhận dễ có cảm giác mình chỉ là một trong danh sách khách mời cho đủ số.
Nhiều người nhận được tin nhắn kiểu: "Chào bạn, đây là link thiệp cưới, mong bạn sắp xếp thời gian đến chung vui". Nội dung khô khan, không chút cá nhân hóa khiến lời mời thiếu đi sự chân thành. Đặc biệt, nếu không có lời nhắn hỏi thăm hoặc liên lạc trực tiếp trước, việc gửi đường link thiệp điện tử dễ bị hiểu lầm là spam hoặc lừa đảo.
Sự tiện lợi của thiệp mời điện tử có thể phù hợp với những mối quan hệ không quá thân thiết, nhưng với bạn bè cũ, những người đã từng gắn bó một thời, một lời mời chân thành qua điện thoại, kèm theo thiệp mời cá nhân hóa, hình ảnh chụp cái thiệp giấy, có lẽ vẫn là cách để thể hiện sự trân trọng.
Nếu không, kết quả chỉ là một đám cưới vắng bóng bạn bè, dù đã gửi đi hàng chục đường link mời.
Hà Nguyên