Thông tin được đưa ra tại buổi đối thoại của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh với 200 công nhân tại khu công nghiệp Thăng Long, ngày 26/5.
Đến hết ngày 23/5, thành phố tiếp nhận hơn 2.800 hồ sơ của 107 doanh nghiệp. Đơn vị chuyên môn đã ban hành quyết định hỗ trợ hơn 2.000 người của 74 doanh nghiệp và đã chi trả cho hơn 1.400 người của 17 doanh nghiệp.
Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, thủ đô mới có 3 khu công nghiệp (Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long ở Đông Anh và Phú Nghĩa ở Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng một phần nhu cầu của công nhân.
Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở, do đó phần lớn công nhân phải đi thuê và sống trong các phòng trọ chật chội, thiếu thốn điều kiện cơ sở vật chất, giá thuê trọ cao, tạo sức ép rất lớn về mật độ dân số, hạ tầng xã hội. Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thu nhập của người lao động bị giảm sút, vấn đề nhà ở cho công nhân lao động càng khó khăn hơn.
Trước đó ngày 28/3, Chính phủ thông qua chính sách hỗ trợ tiền nhà cho lao động với mức 1,5-3 triệu đồng mỗi người, tối đa ba tháng. Hai nhóm thụ hưởng gồm người có hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đang làm việc trong doanh nghiệp và người quay lại thị trường lao động, làm việc khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế, 24 tỉnh thành thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm.
Mục tiêu của gói hỗ trợ là "kéo" lao động quay lại doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường lao động đứt gãy, các nhà máy thiếu nhân lực sau Tết Nguyên đán. Nhiều người về quê và dự tính không trở lại thành phố.
Tuy nhiên, tiến độ chi trả hỗ trợ chậm do vướng nhiều thủ tục. Đến cuối tháng 4, UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động, trong đó rút gọn thủ tục chi tiền bằng cách ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã xét duyệt, chi trả hỗ trợ tiền trọ ba tháng cho lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và quay lại thị trường.
Võ Hải