Đó là một ý nghĩ có thể bị bác bỏ ngay lập tức bởi làm thế nào chiếc phi cơ chở theo 239 hành khách cùng phi hành đoàn lại có thể biến mất mà không để lại dấu vết? Tuy nhiên, trên thực tế, hiện lực lượng tìm kiếm vẫn chưa tìm thấy bất kỳ mảnh vỡ, vệt dầu loang hay thi thể nào liên quan đến MH370 cả.
1. MH370 sẽ trở thành một trong những bí ẩn của thế giới
Vụ mất tích của chuyến bay MH370 sẽ được đặt ngang hàng với câu chuyện về nữ phi công Amelia Earhart, được truyền lại qua nhiều thế hệ. Bà Earhart bắt đầu chuyến bay đầu tiên vòng quanh thế giới vào tháng 6/1937. Sau khi hoàn thành khoảng hai phần ba quãng đường, bà cùng hoa tiêu Frederick Noonan mất tích.
Cuộc tìm kiếm diễn ra sau đó không phát hiện bất cứ dấu vết nào về Earhart, Noonan hay chiếc máy bay. Một số người tin rằng phi cơ đã hết nhiên liệu rồi rơi xuống biển, tương tự một giả thiết trong trường hợp MH370.
Giả thiết tiếp theo được đưa ra liên quan tam giác Bermuda. Nhiều tàu, máy bay và người đã biến mất trong khu vực Bermuda trên Đại Tây Dương. Khu vực này được xác định từ ba điểm gồm thành phố Miami, bang Florida; San Juan trên đảo Puerto Rico và quần đảo Bermuda.
Mỹ cho rằng sự xuất hiện bất ngờ của các cơn cuồng phong, bão, dòng hải lưu mạnh Gulf Stream cùng với những vùng cạn trong biển Caribbean là nguyên nhân khiến tàu bè mất tích ở khu vực này.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có lời giải thích hợp lý nào về sự biến mất của MH370 nhưng không phải mọi bí ẩn đều kéo dài mãi mãi. Lực lượng tìm kiếm từng phải mất hai năm mới trục vớt được hộp đen trên chuyến bay 447 của hãng hàng không Air France gặp nạn ở Đại Tây Dương ngày 1/6/2009, khi đang bay từ Rio, Brazil tới Paris, Pháp.
Con tàu RMS Titanic gặp nạn ở Bắc Đại Tây Dương năm 1912, thời điểm chưa có hệ thống định vị toàn cầu (GPS) cũng như hải đồ, và phải đến tận năm 1985 nó mới được tìm thấy. 73 năm là một khoảng thời gian chờ đợi dài nhưng có những vấn đề cần nhiều thời gian để đưa ra câu trả lời.
2. Nỗi đau của gia đình hành khách không bao giờ nguôi
Sự thống khổ hiện rõ trên khuôn mặt các thân nhân của 153 hành khách người Trung Quốc có mặt trong chuyến bay định mệnh. Họ đang là khách của hãng hàng không Malaysia Airlines tại một khách sạn ở Bắc Kinh trong lúc quá trình tìm kiếm diễn ra. Họ không mong chờ điều kỳ diệu. Cái họ cần là thông tin về sự việc.
"Theo thời gian, chúng tôi biết rằng khả năng con trai mình cùng những người thân khác trên chuyến bay còn sống ngày càng thấp", người đàn ông họ Wen với mái tóc lốm đốm bạc, gần như không giữ được sự bình tĩnh, nói. Bên cạnh đó là một nhà ngoại giao Malaysia chăm chú lắng nghe. "Sống phải thấy người, chết phải thấy xác. Đó là tất cả những gì tôi muốn".
Việc Malaysia công bố ít thông tin cùng với những lần trì hoãn lặp lại đã làm dấy lên sự giận dữ. "Hãy thực hiện cam kết! Không trì hoãn nữa! Không dối trá nữa!", các thân nhân vừa giơ cao nắm đấm vừa hô. Sự đau khổ như được tăng thêm khi họ không tìm được thi thể để chôn cất bởi làm sao có thể để mọi chuyện qua đi nếu họ không được nói lời từ biệt với người thân.
Trong khi đó, ngọn lửa hy vọng vẫn đang cháy trong tim Prahlad Shirsath. Vợ anh cũng có mặt trên chuyến bay. "Tôi không thể từ bỏ vì chúng tôi vẫn còn hy vọng. Từ sâu thẳm trái tim mình, tôi tin rằng... cô ấy sẽ quay lại", Shirsath nói. "Chúng tôi không có lý do nào để đánh mất hy vọng đó cả".
3. Có thêm những thông tin rồi lại thất vọng
Sau vài tháng hoặc vài năm, một số người sẽ lại đưa ra một giả thuyết mới về việc máy bay mất tích như thế nào hoặc thông báo phát hiện thứ gì đó nghi là mảnh vỡ phi cơ. Khoảnh khắc hy vọng chỉ thoáng qua sau đó rồi nhường chỗ lại cho đau khổ.
Cha mẹ của Madeleine McCann từng trải qua và hiểu quá rõ điều này. Cô bé McCann 3 tuổi biến mất vào tháng 6/2007, khi đang cùng gia đình tới thị trấn nghỉ dưỡng Praia da Luz ở Bồ Đào Nha. Sự việc nhanh chóng xuất hiện trên trang nhất nhiều tờ báo và vẫn là bí ẩn cho tới nay.
Đã xuất hiện những thông tin chưa xác thực rằng ai đó nhìn thấy McCann sau khi cô bé bị bắt cóc. Những thông tin mang đến hy vọng ở nhiều mức độ khác nhau nhưng đều không có kết quả.
"Ngay từ ban đầu, nó sẽ khiến bạn tiều tụy đi. Mọi thứ trong cuộc sống chỉ xếp thứ hai và bị bỏ lại phía sau", Dave Holloway, nói trong một lần trả lời phỏng vấn CNN năm 2013. Con gái ông, Natalee Holloway, đến từ bang Alabama, mất tích trong chuyến đi tới Aruba năm 2005 và thi thể cô bé vẫn chưa được tìm thấy.
Trường hợp của nhà Holloway thu hút sự chú ý của cả nước Mỹ, thậm chí ngay cả bây giờ, một manh mối mới liên quan cũng có thể trở thành vấn đề được quan tâm. "Tôi hiểu cảm giác của những gia đình đang không có manh mối nào cả", Halloway chia sẻ. "Ít ra thì chúng tôi còn biết được ai phải chịu trách nhiệm cho sự biến mất của con gái, còn họ thì không".
4. Sẽ có những khoản bồi thường lớn
Thông tin về khoản tiền Malaysia Airlines phải bồi thường cho thân nhân hành khách hiện chưa có con số cụ thể nhưng nó sẽ rất lớn. Theo một số luật sư, dựa trên kinh nghiệm trước đó, số tiền bồi thường cho mỗi hành khách dao động từ 400.000 USD đến 10 triệu USD.
Mức bảo hiểm mà các hãng hàng không mua cho phi cơ của họ thường ở mức từ 2 đến 2,5 tỷ USD một máy bay, tương đương khoảng 10 triệu USD một hành khách, luật sư Dan Rose cho biết. Theo Công ước Montreal, hãng hàng không phải bồi thường thân nhân hành khách thiệt mạng số tiền ban đầu khoảng 150.000-175.000 USD.
Gia đình các nạn nhân còn có thể kiện đòi bồi thường cho những thiệt hại khác. Nhà sản xuất máy bay, Boeing, cũng có thể trở thành mục tiêu của vụ kiện. Nhưng, một khi xác chiếc máy bay chưa được trục vớt, các gia đình nạn nhân khó theo đuổi việc kiện tụng bởi nó giống như cố chứng minh một vụ giết người trong khi không phát hiện thấy xác.
5. Sẽ có những quy định được thay đổi
Các quy định thường sẽ được thay đổi sau mỗi thảm họa. Nhưng nếu không biết nguyên nhân, nhà chức trách khó có thể tìm ra hướng điều chỉnh.
Các nhà quản lý Mỹ thông qua "tiêu chuẩn 90 ngày" đối với thiết bị phát tín hiệu nằm trong hộp đen, nhằm giúp lực lượng tìm kiếm có thêm cơ hội phát hiện chúng trong những điều kiện khó khăn. Thay đổi này được thực hiện sau quá trình tìm kiếm máy bay Air France kéo dài hai năm.
Thời gian phát tín hiệu của hộp đen kéo dài lên 90 ngày làm tăng khả năng tìm thấy máy bay mất tích, dù nó chìm sâu dưới biển. Tuy nhiên, thời gian pin hộp đen của MH370 chỉ là 30 ngày và dường như nó đã ngừng hoạt động khi lực lượng tìm kiếm bắt đầu phát hiện được một vài tín hiệu. Nếu nó có thể kéo dài thêm 60 ngày nữa, khả năng tìm thấy phi cơ mất tích là rất cao.
Dự tính đến năm 2015, Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) sẽ yêu cầu tất cả các máy bay mới phải theo "tiêu chuẩn 90 ngày". Thời hạn đối với các phi cơ cũ là năm 2020.
Như Tâm (theo CNN)